Xét về mặt bản chất, với nhiệm vụ là kiểm lâm, anh Vũ Xuân Hải đã liên tục và quyết liệt ngăn chặn hành vi vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép. Hành vi vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng (điểm b khoản 1 Điều 175 BLHS). Việc anh Hải phát hiện ra hành vi đó và quyết liệt ngăn chặn đồng nghĩa với việc đã trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Anh vũ Xuân Hải (đội mũ) trong một lần đi kiểm tra rừng. Ảnh: TL
Nếu nói rằng hành vi vận chuyển gỗ trái phép của tài xế sau đó chỉ bị xử phạt hành chính chứ không phải khởi tố hình sự nên anh Hải không được công nhận liệt sĩ là không ổn. Bởi cấu thành của Điều 175 là phải gây hậu quả nghiêm trọng (làm ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái), đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, đã bị kết án về tội này và chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Nhưng làm sao anh Hải có thể đong đếm số gỗ trên xe đã gây ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái chưa; người tài xế chở gỗ lậu kia đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép chưa; từng bị tòa tuyên án về tội này chưa… để từ đó mới quyết định ra chỉ lệnh dừng xe hay không.
Sự hy sinh của một con người làm sao có thể đong đếm bằng cách đó?
Có thể quy định pháp luật còn có những điều chưa thật cụ thể, rõ ràng nhưng một con người bị hy sinh ngay khi đang hết mình ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật mà không được công nhận liệt sĩ thì cần xem lại cách vận dụng pháp luật.
Tôi tin rằng khi quyết liệt ngăn chặn cái xấu theo nhiệm vụ được giao, anh kiểm lâm chẳng bao giờ muốn từ bỏ cõi đời này để được công nhận liệt sĩ cả. Vì vậy, chúng tôi cho rằng không nên cứng nhắc đặt ra những đòi hỏi một cách vô lý khi vận dụng pháp luật.