“Vào những năm 1950, cha tôi là Lê Văn Tây hoạt động bí mật trong lòng địch. Đến năm 1971, cha tôi bị giặc giết chết tại Cần Thơ. Mẹ tôi chôn cất cha nhưng lúc ấy mẹ không biết đơn vị cha ở đâu để thông báo. Cũng vì điều này mà hiện nay gia đình tôi khó làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho cha” - ông Lê Minh Thiện, ấp 3, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, Bến Tre, phản ánh.
Cũng theo ông Thiện, sau đó vào năm 1986, mẹ ông tìm gặp được ông Ngô Văn Lân - cán bộ hưu trí ở thị xã Bến Tre, người đã từng hoạt động chung với cha ông. Ông Lân cho biết năm 1951, ông công tác chung với cha ông. Đến tháng 2-1971, cha ông bị địch theo dõi và truy sát tại Cần Thơ.
Ông Thiện (trái) tìm đến một người đồng đội của cha ông để xác nhận rằng cha ông hy sinh vì đất nước. Ảnh: NH
Ông Thiện trình bày: Sau khi được ông Lân xác nhận, gia đình ông rất vui mừng tưởng rằng cha mình đã được danh phận sau bao nhiêu năm hy sinh xương máu. Nào ngờ, được biết quy định của Nhà nước là phải có hai người xác nhận mới đủ điều kiện làm thủ tục công nhận liệt sĩ. Gia đình ông tiếp tục tìm kiếm, hỏi thăm bà con, bạn bè của cha, kể cả những chú bác đã từng tham gia cách mạng ở địa phương. Mãi đến đầu năm nay, gia đình gặp được ông Nguyễn Văn Thân đã từng hoạt động chung với cha ông.
Ông Nguyễn Văn Thân, cán bộ hưu trí, thường trực Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Thành phố, khối vũ trang biệt động Sài Gòn - Gia Định, cho hay: “Năm 1965, tôi đang công tác ở đơn vị A54 thuộc Phòng Quân báo Miền. Tôi và trung đội trưởng lúc ấy móc nối với anh Tây đang công tác ở Cần Thơ. Làm việc với anh Tây một thời gian thì mất liên lạc. Việc anh Tây tham gia và hoạt động cách mạng là sự thật, Nhà nước nên có những chế độ dành cho anh ấy!”
Trước một niềm vui không sao tả hết của gia đình ông Thiện, một lần nữa nỗi thất vọng cũng lại đến vì quy định cũ đã được thay đổi. Nếu như trước đây, chỉ cần hai người xác nhận là đã đủ điều kiện làm thủ tục cấp bằng liệt sĩ, hiện nay còn một số quy định khác mà gia đình không thể thực hiện được. Thứ nhất: Danh sách liệt sĩ lưu tại cơ quan, đơn vị có ghi tên người hy sinh hoặc giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý lập từ 31-12-1994 trở về trước có ghi nhận là liệt sĩ hoặc hy sinh trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu. Thứ hai: Người hy sinh phải được chính quyền và nhân dân suy tôn đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ nơi hy sinh, được gắn bia mộ liệt sĩ từ 31-12-1994 trở về trước.
Ông Lê Minh Thiện than thở, những quy định trên đã khiến gia đình ông không thể làm danh hiệu liệt sĩ cho cha ông. Đó là điều quá đáng tiếc!
NGUYỄN HIỀN
Cần chờ thêm thời gian nữa Với trường hợp cụ thể của cha ông Thiện nếu trước năm 2006, gia đình ông tìm đủ hai người xác nhận như hiện nay là đã đủ điều kiện xác nhận cha ông là liệt sĩ nhưng do có quy định mới thì phải thực hiện theo. Tuy nhiên, hiện nay cả nước đang thực hiện kế hoạch tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Kế hoạch này nhằm rà soát, kiểm tra các đối tượng người có công đang và chưa được hưởng chính sách. Sau một năm thống kê (sau năm 2015), các đơn vị cấp cơ sở sẽ lập danh sách những người có công mà chưa được hưởng chính sách gửi về Bộ LĐ-TB&XH để Bộ xem xét và có phương hướng giải quyết. Do vậy trường hợp của cha ông Thiện sẽ được xem xét giải quyết trong thời gian sắp tới... Ông TRẦN THANH HOÀNG, Trưởng phòng Chính sách người có công, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM |