Tôi đến với công việc luyện thi du học được 18 năm nay, suốt từ năm 1996 khi học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi học bổng trung học phổ thông Singapore với tên gọi là học bổng Asean.
Từ Singapore tôi chuyển sang dạy cho các học sinh đi Anh, Mỹ và Úc và có số học sinh ra nước ngoài lên tới con số hàng ngàn em. Từ vào Harvard, MIT, Yale, Princeton, Stanford, Cambridge, Oxford ... cho tới những trường bình thường.
Cả ngàn em là cả ngàn câu chuyện, cả ngàn lối đi và ngã rẽ. Không có câu chuyện nào giống câu chuyện nào và không có lối đi nào là giống lối đi nào cả.
Quan niệm phải có học bổng mới đi du học là 1 quan điểm ăn sâu vào tâm thức của các bố mẹ Việt. Đặc biệt là các bố mẹ miền Bắc. Ở miền Nam thì thoáng hơn.
Kể cả khi đi học không bằng học bổng thì các cha mẹ vẫn phải nói ra là con tôi đi học bằng học bổng. Với họ việc đi du học tự túc là 1 điều hổ thẹn đáng phải che dấu đi.
Đáng nhẽ ra họ cần phải thấy rằng việc chi tiền cho con cái du học nghiêm túc là một điều đáng tự hào chứ. Bạn tiêu tiền của mình, cho con mình, cho một việc tốt cơ mà. Tại sao lại phải xấu hổ?
Và đây mới là chuyện đáng nói nhất: Phải có được học bổng mới cho con đi du học là tư tưởng của rất nhiều gia đình, kể cả các gia đình giÀU có. Họ thấy việc chi tiền cho con học tự túc là không đáng và phải bằng mọi cách tìm học bổng và hỗ trợ tài chính.
Giáo dục là một trong vài thứ mà chúng ta cần đầu tư nhất. Nếu con bạn có năng lực học tập và bạn có khả năng tài chính, hãy mạnh dạn và cảm thấy thoải mái, tự hào khi bạn đóng tiền học cho con bạn. Hãy dành cơ hội học bổng cho các bạn khác xuất sắc nhưng không được may mắn như con bạn.
Đó không chỉ là việc bạn đang đầu tư xứng đáng và hiệu quả cho tương lai của con bạn mà đó còn là một hành động tử tế mang tính nhân văn giản dị.
Ở Anh, các trường hàng đầu gần như không bao giờ có học bổng hay hỗ trợ tài chính vì họ cho rằng các bạn vào được trường và được học tại đó đã là một sự may mắn rồi. Bạn còn muốn chi nữa?
Họ khuyên bạn nên đầu tư cho con và đừng tham lam.
Ở Mỹ, hầu hết các gia đình trung lưu (chiếm số đông dân số ) không bao giờ có cơ hội học bổng (HB) và hỗ trợ tài chính (FA) cho dù học sinh có giỏi đến mấy. Hai thứ này là dành cho số ít các bạn nghèo nhưng xuất sắc và số cực ít các bạn giàu và cực xuất sắc.
Đó là chúng ta đang nói đến các xuất học bổng lớn, còn với số ít các bạn đến từ gia đình trung lưu mà có được FA thì khoản FA này chỉ là một con số khích lệ tượng trưng ở mức vài ngàn USD/năm.
Với các trường tốt có mức học phí lên tới quanh mức 60 ngàn USD/năm chưa kể các khoản khác thì hầu hết các gia đình trung lưu Mỹ không thể kham nổi. Họ sẽ chọn con đường vào học các trường top dưới có mức học phí vừa phải. Đó là một tính toán rất thực tế và hợp lý.
Rất nhiều học sinh Mỹ áp dụng tư duy thực tế vào việc chọn trường. Không chỉ là tiền bạc mà còn là vấn đề học tập. Nếu cố sống cố chết vào bằng được các trường top đầu thì việc học sẽ rất vất vả, tiêu tốn sức lực và thời gian cho việc học mà không còn thời gian cho việc rèn luyện kỹ năng và... đi chơi.
Và như thế cho dù có tốt nghiệp với tấm bằng (kể cả hạng honors - hạng ưu hay distinction - hạng xuất sắc) của một trường hàng đầu thì bạn vẫn có thể thất nghiệp như thường. Hoặc giả có tìm được việc thì cũng khó thành công về mặt nghề nghiệp khi bạn chỉ giỏi về học mà yếu về các kỹ năng xã hội.
Thế là phân luồng học sinh vào trường top như Ivies hay tương tự rơi vào 2 nhóm: học học sinh giàu có hoặc học sinh nghèo có học bổng. Tỉ lệ giữa 2 nhóm này ra sao thì chắc các bạn đều có thể đoán được.
Quay lại vấn đề học trả tiền thì nên nói là trả tiền và phải tự hào về điều đó và cả việc nên trả tiền học nếu bạn có điều kiện kinh tế, tôi xin phép kể ra đây một vài ví dụ:
Năm 2004 tôi có một học sinh vào Williams và vì rất giỏi nên bạn ý được học bổng toàn phần dạng merit - based (dựa trên thành tích và tài năng). Bố bạn là chỗ thân thiết nên tôi có nói chuyện dân châu Âu sang Mỹ đóng donation rất nhiều cho nhà trường khi con họ được học bổng. Kết quả là trong bốn năm con trai học ở đó thì gia đình con đã donate cho nhà trường 1 khoản tiền lớn hơn rất nhiều so với tiền học bổng của con.
Đó là một nghĩa cử đẹp. Nó rất văn minh và nhân văn.
Có một gia đình học trò của tôi rất đặc biệt. Cả ba anh em đều là học sinh của tôi và được học bổng trung học. Khi vào đại học thì bạn út không được học bổng như anh và chị của mình và bố mẹ con cực kỳ lo lắng. Tôi bảo: "Em mà như anh chị thì em bán ngôi nhà gần một triệu USD ở mặt phố như thế này đi và mua một chỗ khác vẫn rất ổn rồi chi trả tiền học cho con thay vì làm việc cật lực đến quên mình như anh chị."
Các học sinh Việt nam khi vào Mỹ đều cố gắng luyện thi nhiều năm để tìm cách vào được trường top. Đây là một con đường không đúng đắn.
Nếu bạn không luyện thi kiểu cày cuốc và gà chọi mà vào được trường top theo cách "an toàn" thì tôi vẫn khuyên bạn vào trường top. (Và nếu bạn học trung học ở nước ngoài thì càng tốt ). Bằng không hãy nghĩ lại.
Thế nào là "an toàn"?
Nếu khác đi thì tôi khuyên bạn nên vào trường tốt nhưng không phải là top vì vào đó bạn sẽ phải bơi trong một đại đương toàn cá mập to và khỏe hơn mình. Và cho dù bạn có sống sót đi chăng nữa thì bạn sẽ phải đánh đổi: dành quá nhiều thời gian và công sức cho việc học mà không thể phát triển các kỹ năng khác.
Bạn vẫn có thể thất nghiệp như thường.
Lời khuyên của tôi là bạn hãy chọn các trường tốt. Và thật may là ở Mỹ có vô số các trường tốt và khoảng cách giữa các trường tốt (8 điểm) so với trường cực tốt (9 điểm) và siêu tốt (10 điểm: Ivies hoặc tương tự) là rất ít.
Đừng cố vào top nếu bạn ở top cuối các học sinh vào đó và hãy chọn nghành rồi hãy chọn trường chứ đừng vì một cái tên nào đó mà bạn chọn những ngành rất vớ vẩn trong đó để chỉ được cái tiếng vỏ ngoài mà thôi. Hãy cứ học Undergrad cho tốt và sau đó bạn hãy vào trường top học Graduate khi đã thành thục phương pháp học và nghiên cứu.
Đấy là còn chưa nói tới chuyện ngoài Mỹ và Anh ra thì còn rất nhiều con đường đi cho bạn.
Hãy chọn con đường đi phù hợp với mình nhất bạn nhé.