Dù “khuyết” nhưng hạnh phúc vẫn tròn đầy

(PLO)- Cuộc sống gia đình có thành viên bị khiếm khuyết vất vả trăm bề nhưng trong tình yêu, hôn nhân, họ lại có được hạnh phúc tròn đầy khiến nhiều người lành lặn phải ngưỡng mộ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 29-6, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM tổ chức chương trình ngày hội “Hạnh phúc gia đình vầng trăng khuyết” để giới thiệu, tôn vinh 50 gia đình người khuyết tật (NKT) tiêu biểu trên địa bàn TP nhân hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam.

Chương trình nhằm nhân rộng và lan tỏa những thông điệp yêu thương của gia đình hạnh phúc, đặc biệt là vẻ đẹp của những gia đình khiếm khuyết không trọn vẹn về hình thể nhưng họ đã vượt lên chính mình để xây dựng hạnh phúc gia đình.

Tôn vinh 50 gia đình người khuyết tật tiêu biểu trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Tôn vinh 50 gia đình người khuyết tật tiêu biểu trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Cùng dìu nhau, nâng niu hạnh phúc

Đến với buổi giao lưu là gia đình anh chị Nguyễn Văn Út - Phạm Thị Thủy (ngụ tại huyện Hóc Môn) cùng những câu chuyện cảm động và dễ thương. Anh Út kể, năm 2008 anh vào học tại trung tâm dạy nghề cho NKT. Anh học về tranh ghép gỗ khoảng 5 năm và được giữ lại làm cộng tác viên. Trong thời gian đó anh gặp chị Thủy.

Chị Thủy đến trung tâm để học nghề kế toán. Mỗi ngày đi học ngang qua, chị thấy những bức tranh anh Út làm rất đẹp, ngộ nghĩnh. “Tôi thấy anh Út trông người nhỏ bé thôi nhưng làm ra được những bức tranh rất sắc sảo. Tôi mê những bức tranh đó rồi mê luôn người làm ra nó” - chị Thủy bộc bạch.

Gia đình anh chị Nguyễn Văn Út - Phạm Thị Thủy đã cùng nhau gầy dựng nên cơ sở sản xuất tranh ghép gỗ gia công. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Gia đình anh chị Nguyễn Văn Út - Phạm Thị Thủy đã cùng nhau gầy dựng nên cơ sở sản xuất tranh ghép gỗ gia công. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Sau đó hai anh chị quen nhau và nên duyên vợ chồng. Hiện tại, vợ chồng anh Út đã gầy dựng nên cơ sở sản xuất tranh ghép gỗ gia công tại huyện Hóc Môn.

“Tôi nhận thấy mình là NKT nên phải nỗ lực, cố gắng gấp mấy lần người bình thường để hòa nhập được cộng đồng. Bên cạnh đó, tôi rất biết ơn Hội bảo trợ đã giúp đỡ và truyền nghề để tôi có được những kết quả tốt đẹp như hôm nay” - anh Út xúc động nói.

Gặp gỡ gia đình anh chị Cao Thanh Trường - Phan Thị Phương Dung (ngụ tại quận 10), hiện đang làm xoa bóp ấn huyệt tại cơ sở massage tự mở nhờ trợ vốn. Được biết, hai vợ chồng quen biết nhau từ lúc học tiểu học ở trường khiếm thị. Sau này anh chị yêu nhau và tiến đến hôn nhân.

Chị Dung kể, khi hai con sinh ra, bác sĩ chẩn đoán bị cườm nước bẩm sinh. Lúc đó hai con chỉ nhìn thấy được mờ mờ. Trong suốt 11 năm qua, tháng nào hai vợ chồng cũng phải đưa các con đến bệnh viện mắt để điều trị và thăm khám nhằm giữ lại chút ánh sáng cho con.

Vợ chồng anh chị Cao Thanh Trường - Phan Thị Phương Dung quen biết nhau từ lúc học tiểu học ở trường mù. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Vợ chồng anh chị Cao Thanh Trường - Phan Thị Phương Dung quen biết nhau từ lúc học tiểu học ở trường mù. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Khi bé học hết lớp 4 thì mắt bắt đầu không còn nhìn thấy gì nữa. Đối với lứa tuổi dễ thay đổi tâm lý này, con rất sốc và khó chấp nhận sự thay đổi, xáo trộn cuộc sống. Vì cha mẹ cũng là người khiếm khuyết về mắt nên hiểu và tìm cách nói chuyện tâm sự, giúp con vượt qua khó khăn. Hiện tại bé đã bắt đầu thích nghi được và đang học trường Nguyễn Đình Chiểu”.

Hằng ngày, hai vợ chồng chị Dung dìu nhau đi làm từ sáng đến 9 giờ tối. Vì thế các con ở nhà phải tự chăm sóc nhau và đỡ đần bà nội.

Chia sẻ về cuộc sống hôn nhân, anh Trường nói: “Gia đình nào cũng sẽ có những lúc không được như ý. Không chỉ NKT mà người sáng mắt cũng vậy. Tôi thấy trong hôn nhân, khi chồng nóng thì vợ nhịn. Khi vợ không kiềm chế được, mình là đàn ông thì nhường nhịn vợ một tí. Giống như ông bà mình nói: Cơm sôi bớt lửa, chẳng đời nào khê. Nếu trong gia đình mà thu xếp được thì cuộc sống ngoài xã hội sẽ nhẹ nhàng hơn. Bởi vì nhà cũng là một xã hội thu nhỏ”.

Mong dành sự quan tâm đến gia đình NKT

Tại chương trình, chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và Trẻ mồ côi TP.HCM - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ, mưu cầu hạnh phúc trong tình yêu, hôn nhân là quyền của mỗi người, không phân biệt khuyết tật hay lành lặn. Cái đẹp và sự bền vững trong tình yêu của người khuyết tật nằm ở chính sự đồng điệu về tâm hồn, sự cảm thông và sẻ chia ở mọi lúc, mọi nơi.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc mong cộng đồng xã hội tiếp tục dành sự quan tâm nhiều hơn nữa tới NKT. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc mong cộng đồng xã hội tiếp tục dành sự quan tâm nhiều hơn nữa tới NKT. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Theo bà, những người đàn ông khuyết tật vẫn là trụ cột vững chắc của gia đình khi được bồi đắp bằng sự hy sinh, tình yêu của người phụ nữ bên mình. Với những người phụ nữ khuyết tật, bằng nỗ lực, sự chịu đựng, nhẫn nại và can đảm, họ hoàn toàn có thể đảm đương sứ mệnh "giữ lửa" cho gia đình êm ấm, hạnh phúc.

“Gặp gỡ với 50 gia đình khuyết tật tham dự chương trình hôm nay, họ tuy có hoàn cảnh khác nhau, dạng tật khác nhau, nhưng đều có điểm chung là trong muôn vàn khó khăn, vẫn biết vun đắp tình yêu, gìn giữ hạnh phúc gia đình, nuôi con cái mạnh khỏe, trưởng thành. Thật cảm động và trân trọng biết bao những tấm gương từ nghị lực vươn lên của các gia đình dù khuyết nhưng rất tròn và đẹp đã lan truyền năng lượng tích cực cho những người lành lặn” - bà Bích Ngọc bày tỏ.

Trao quà cho gia đình người khuyết tật. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Trao quà cho gia đình người khuyết tật. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Thay mặt Hội Bảo trợ NKT & trẻ mồ côi TP.HCM, bà Bích Ngọc mong thông qua chương trình này, lãnh đạo TP, các cấp, các ngành, các nhà tài trợ và cộng đồng xã hội tiếp tục dành sự quan tâm nhiều hơn nữa tới NKT.

Tạo môi trường bình đẳng cho NKT có điều kiện tiếp cận và hòa nhập tốt hơn, nhất là quan tâm đến gia đình NKT. Bởi gia đình là chỗ dựa, là nguồn động lực cổ vũ mạnh mẽ NKT vươn lên, lao động, học tập và cống hiến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm