Dịp nghỉ lễ 2-9 kéo dài bốn ngày nhưng hiện lượng khách đặt tour qua công ty lữ hành không ghi nhận sự gia tăng đột biến. Nhiều công ty lữ hành đánh giá, sức mua thị trường không lớn.
Lượng khách đặt tour ít biến động
Kỳ nghỉ lễ 2-9 rơi vào giai đoạn sau cao điểm du lịch hè và trước cao điểm du lịch thu đông, lượng khách đăng ký du lịch trong dịp này duy trì ổn định qua các năm, ít sự biến động. Giá tour du lịch cũng tăng nhẹ, khoảng 5-10% so với cùng kỳ năm 2023.
Đây được xem là kỳ nghỉ “vét” với các nhóm khách gia đình nên thường được các gia đình chọn tour trọn gói, thời gian tham quan từ 3-4 ngày, chi phí vừa phải. Dòng sản phẩm F&E (đặt dịch vụ) và tour thiết kế theo yêu cầu đến các tuyến nghỉ dưỡng biển Nha Trang, Phú Yên, Huế - Đà Nẵng, Côn Đảo… được nhiều du khách lựa chọn.
Ông Phạm Anh Vũ, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Việt đánh giá: "Tour du lịch trong nước có tỉ lệ bán chậm hơn tour nước ngoài, hiện tour này chiếm hơn 70% so với nội địa. Chúng tôi đã đạt hơn 60% số chỗ trong kế hoạch bán tour".
Vietravel ghi nhận khoảng 80% số chỗ đã được đặt, chỉ còn lại 20% là các tour trong nước. Hiện số lượng khách đặt tour dịp nghỉ lễ 2-9 năm nay đã đạt tương đương so với cùng kỳ năm 2019.
Các tour nước ngoài được du khách ưa chuộng nhiều nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... Đến thời điểm này, công ty lữ hành Vietluxtour ghi nhận đã đạt hơn 70% kế hoạch đặt ra. Benthanhtourist cũng thông tin, ngoài tour Bắc Âu và tour Dubai, tour Thái Lan đã hoàn toàn kín chỗ, tour liên tuyến Malaysia - Singapore đã lấp đầy hơn 50%.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Công ty Lữ hành Vietluxtour cho biết, ở thị trường khách lẻ thì tỉ lệ khách đặt tour nước ngoài có phần cao hơn tour trong nước.
"Chúng tôi kỳ vọng khách ở các thị trường nước ngoài và nội địa tăng trung bình khoảng 20% so với cùng kỳ. Ngoài ra, chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch kinh doanh cho thị trường inbound (khách du lịch đến Việt Nam) tập trung các thị trường mục tiêu chính là châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… với mục tiêu kỳ vọng tăng khoảng 30% so với cùng kỳ"- bà Thu nói.
Từ sau dịch COVID-19 tính thời vụ trong du lịch đã giảm nhiều, cả thị phần khách đoàn và lẻ đều có xu hướng phân bổ kế hoạch du lịch trải đều các giai đoạn trong năm.
Bà Thu cho biết, nếu trước đây, từ tháng 8 đến tháng 11 là giai đoạn thấp điểm trong ngành du lịch thì vài năm gần đây lại được xem là dịp lý tưởng để lên kế hoạch du lịch vì giai đoạn này dịch vụ không bị quá tải, giá tốt, khí hậu mát mẻ, trong lành...
Hàng không tăng chuyến, kết nối du lịch
Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong bốn ngày nghỉ lễ, nhiều hãng hàng không cũng tăng cường chuyến bay.
Điển hình như hãng Vietjet Air dự kiến sẽ tăng 25.000 chỗ, tương đương với 120 chuyến bay, đồng thời hãng này mở bán thêm vé trên nhiều đường bay du lịch nội địa đến và đi từ TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Huế… Theo đó, tổng số ghế cung ứng trên toàn mạng nội địa, quốc tế tương ứng gần 2.500 chuyến bay.
Tương tự, Vietnam Airlines sẽ tập trung tăng tần suất trên các đường bay nội địa khoảng 330.000 chỗ, tương ứng hơn 1.700 chuyến bay, tăng hơn 19% so với cùng kỳ 2023. Các đường bay quốc tế với hơn 150.000 chỗ, tương ứng hơn 650 chuyến bay, tăng nhẹ so với năm ngoái.
Đại diện hãng Vietnam Airlines cho biết, các đường bay du lịch nội địa trọng điểm đã đầy chỗ gần 50% và dự báo tiếp tục tăng nhanh. Các đường bay quốc tế đi Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Úc cũng đạt kết quả tích cực với tỷ lệ lấp đầy từ 50% đến 70%.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không chủ động phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành trong công tác xây dựng các chương trình, kế hoạch khai thác đến các địa phương và các quốc gia trọng điểm về du lịch.
Các hãng phối hợp với các công ty cung cấp dịch vụ mặt đất để xây dựng kế hoạch phục vụ các chuyến bay, đặc biệt là các chuyến bay khai thác vào khung giờ đêm.
Phó Giám đốc Công ty Du lịch Việt, ông Phạm Anh Vũ cho rằng: Hiện giá vé máy vẫn cao so với ngày thường nhưng đã giảm hơn so với mùa cao điểm du lịch hè. Vì vậy giá tour trọn gói dịp này chỉ tăng nhẹ do các dịch vụ đầu vào khác tính phụ thu vào giá phục vụ lễ, lượng khách hàng đăng ký tour lễ hiện tại đang tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá vé máy bay hiện nay tăng cao sẽ tác động lớn đến chi phí du lịch. Bà Thu cho biết, giá tour năm nay không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm ngoái. Một số tuyến tăng nhẹ khoảng 2-5% do giá vé máy bay, giá khách sạn tăng. Khung giá tour trung bình được du khách lẻ đặt nhiều nhất là từ 12 đến 15 triệu đồng/khách.
"Công ty kỳ vọng giá vé máy bay có lộ trình giảm và ổn định, đặc biệt là các dịp lễ, tết sắp đến để doanh nghiệp định hướng kế hoạch kinh doanh sớm. Đồng thời, các điểm đến ảnh hưởng nhiều vào đường bay sẽ có chiến lược khuyến mãi, kích cầu, liên kết ưu đãi…" - bà Thu kỳ vọng.
Giá vé máy bay đắt đỏ
Theo khảo sát trên website của các hãng hàng không dịp nghỉ lễ 2-9, chiều đi ngày 31-8 và chiều về 3-9 giá vé máy bay đang tăng cao, nhiều chặng đang dần kín chỗ. Giá vé khứ hồi đang ở mức cao, tăng từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng/vé khứ hồi.
Với chặng Hà Nội - Đà Nẵng, giá vé dao động ở mức giá từ 1,9 - 2,5 triệu đồng/vé. Hãng Vietnam Airlines giá vé rơi vào 3,8-5 triệu đồng/vé khứ hồi, Vietjet 2,9-4,4 triệu đồng/vé khứ hồi, Bamboo Airways dao động từ 3,8-5 triệu đồng/vé khứ hồi. Ở chiều về ngày 3-9 giá vé tương tự, chặng này còn khá nhiều chỗ.
Riêng chặng "hot" Hà Nội - Phú Quốc có mức giá cao hơn các chặng khác, dao động từ 3,4 - 6 triệu đồng/vé khứ hồi phổ thông (đã bao gồm thuế, phí).
Từ TP.HCM - Hà Nội giá vé ở mức 3,4 - 3,6 triệu đồng/vé khứ hồi (các chuyến bay vào nửa đêm hoặc rạng sáng). Chặng bay TP. HCM - Phú Quốc, Nha Trang có mức giá từ 2,9 - 4,2 triệu đồng/vé khứ hồi trong khi ngày thường chỉ ở mức 2,2 triệu đồng. Ghi nhận lượng vé của đường bay này còn khá ít.
Đáng chú ý, chặng TP.HCM - Quy Nhơn có mức giá vé tăng khá cao, giá vé rẻ nhất của Vietjet Air ở mức 3,9 triệu đồng/khứ hồi; Vietravel Airlines, Vietnam Airlines và Bamboo Airways có giá từ 4,5-4,9 triệu đồng/vé khứ hồi.