DỰ THẢO ĐỀ ÁN KIỂM SOÁT THU NHẬP QUAN CHỨC

Du lịch nước ngoài phải khai rõ nguồn tiền

Ngày 9-8, phát biểu trong cuộc họp lấy ý kiến hoàn thiện Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn do Thanh tra Chính phủ tổ chức, Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào cho biết kiểm soát thu nhập là bước đi tiếp theo của kê khai tài sản, vốn mới chỉ thực sự được cán bộ, công chức làm quen từ khi Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2005 có hiệu lực. Bản thân việc kê khai tài sản ở giai đoạn làm quen này cũng còn rất hình thức. Khai xong, bản kê khai được đưa vào hồ sơ lưu chứ chưa hề có cơ chế bắt giải trình, kiểm tra, xác minh. Phải tới vừa rồi, khi Luật PCTN được sửa đổi, mới tiến thêm một bước là người kê khai phải giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm của mình.

Với thực tế ấy, ông Hào cho rằng kiểm soát thu nhập - nguồn gốc hình thành nên tài sản cũng sẽ là quá trình từ từ, từng bước, khó đem lại ngay kết quả mong đợi trong PCTN.

Ba nhóm thu nhập phải kiểm soát

Dự thảo đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn cũng được xây dựng với tư duy ấy. Theo đó, đối tượng phải kiểm soát thu nhập về cơ bản là những người thuộc diện phải kê khai tài sản, tức từ phó trưởng phòng cấp huyện trở lên và những người tuy không có chức vụ quản lý nhưng làm công việc gắn với ngân sách, tài sản nhà nước, hoặc trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc của dân.

Theo đề án, cá nhân người có chức vụ, quyền hạn đi du lịch, du học, chữa bệnh ở nước ngoài thì phải khai rõ kinh phí từ đâu và thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Ảnh minh họa: HTD

Thu nhập phải kiểm soát thuộc ba nhóm: Từ nguồn ngân sách - như lương, thưởng, phụ cấp, thù lao; từ các giao dịch kinh tế, dân sự - như kinh doanh, đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, bán bất động sản, trúng thưởng, tiền bản quyền, nhận thừa kế, kiều hối, học bổng, tiền từ nước ngoài; và thu nhập từ quà tặng, biếu, hoa hồng...

Để kiểm soát được các nguồn thu nhập trên, dự thảo đề án cho rằng cần xây dựng, hoàn thiện hàng loạt quy định. Đầu tiên là phải có văn bản quy phạm về kê khai, giải trình, xác minh thu nhập theo hướng người có chức vụ, quyền hạn phải kê khai thu nhập theo quý hoặc năm. Khi kê khai phải giải trình tự động về các thu nhập có giá trị lớn, chẳng hạn từ 50 triệu đồng trở lên. Nếu không giải trình được nguồn gốc thì nhà chức trách sẽ xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định.

Chi lớn: Phải qua tài khoản

Cũng theo dự thảo đề án, kèm theo nghĩa vụ giải trình đương nhiên, cần có cơ chế để định kỳ xác minh bản kê khai của quan chức theo xác suất chọn mẫu ngẫu nhiên, đồng thời xác minh đột xuất với những trường hợp có nghi ngờ kê khai không trung thực hoặc người kê khai có dấu hiệu tham nhũng.

Kèm theo quy định xác minh là các cơ chế bảo đảm để đơn vị có thẩm quyền xác minh được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện các biện pháp cần thiết ngăn chặn che giấu thông tin, tẩu tán tài sản hoặc cản trở, can thiệp. Cũng phải có các quy định về chế tài với các vi phạm trong việc kê khai, giải trình thu nhập.

Đáng chú ý, dự thảo đề án cho rằng cần quy định thu nhập không kê khai, kê khai không đầy đủ mà bị phát hiện, giải trình không được thì đương nhiên coi là thu nhập bất hợp pháp. Kèm theo đó là chế độ pháp lý để xử lý.

Ngoài loại văn bản quy phạm trên, dự thảo đề án cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện các quy định bắt buộc thanh toán qua tài khoản mọi khoản chi từ ngân sách cho cá nhân người có chức vụ, quyền hạn. Cần sửa đổi, bổ sung các quy định về quà tặng, vừa thuận tiện, khuyến khích kê khai vừa có chế tài nghiêm khắc với hành vi không trung thực, lẩn tránh kê khai. Đồng thời, có cơ chế để người dân giám sát việc nhận quà của quan chức.

Một đề xuất khá mới là để kiểm soát thu nhập thì cần phải có quy định bắt buộc về kê khai, xác minh các khoản chi tiêu giá trị lớn của quan chức. Chẳng hạn, đi du lịch, du học, chữa bệnh ở nước ngoài thì phải khai rõ kinh phí từ đâu. Thanh toán cho các sinh hoạt ấy phải qua tài khoản ngân hàng, chịu sự giám sát của cơ quan chống rửa tiền.

Có dữ liệu thu nhập quan chức toàn quốc

Theo dự thảo đề án, sẽ phải quản lý tập trung dữ liệu toàn quốc về thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Cơ sở dữ liệu này phải bao quát thông tin về thu nhập của quan chức, kể từ khi họ trở thành đối tượng có nghĩa vụ kê khai thu nhập cho đến năm năm sau khi nghỉ hưu. Cơ sở dữ liệu này sẽ được phối hợp, chia sẻ thông tin với ngành thuế để đối chiếu, so sánh. Qua đó chống thất thu thuế và hỗ trợ bổ sung thông tin phòng ngừa tham nhũng.

Mới chỉ là những gợi mở, đề xuất ban đầu của dự thảo đề án nhưng Thanh tra Chính phủ cho rằng để triển khai thì phải lập ban chỉ đạo. Trong đó, trưởng ban phải là một phó thủ tướng, phó trưởng ban thường trực là tổng Thanh tra Chính phủ và hai phó trưởng ban khác là bộ trưởng công an, nội vụ. Ban chỉ đạo cũng cần có văn phòng giúp việc đặt tại Thanh tra Chính phủ.

Ngoài ra, theo Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào, với tính phức tạp, khó khăn của kiểm soát thu nhập, trong quá trình xây dựng đề án, có ý kiến cho rằng nên nâng cấp để Bộ Chính trị ban hành, chỉ đạo đề án, thay vì chỉ là Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra - đơn vị chủ trì biên tập đề án, cho biết dự thảo đề án sẽ được hoàn thiện để kịp trình Thủ tướng xem xét vào quý IV. “Đấy là trình thôi, còn thông qua thì chưa định trước được. Hiện Thanh tra Chính phủ còn đang chủ trì giúp Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn thiện đề án tăng cường thực hiện và kiểm soát việc kê khai tài sản. Các đề án này liên quan mật thiết, hỗ trợ lẫn nhau” - ông nói.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới