Dự thảo quy định mới về camera trên ô tô

(PLO)- Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất nhiều quy định mới liên quan đến hoạt động vận tải bằng ô tô nhằm phù hợp với thực tiễn hiện nay.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2020 của bộ trưởng Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (viết tắt là dự thảo).

Cần thiết sửa đổi để phù hợp thực tiễn

Theo Cục Đường bộ, trong quá trình đưa vào thực tế, về cơ bản Thông tư 12/2020 đã đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động vận tải (HĐVT) đường bộ bằng ô tô.

“Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, thực tế đã có nhiều thay đổi trong công tác quản lý HĐVT đường bộ nên cần thiết phải có sự thay đổi, cập nhật, bổ sung để phù hợp với thực tế” - tờ trình của Cục Đường bộ nêu.

Cụ thể, Bộ GTVT đang thực hiện dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong đó, tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung có nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong công tác quản lý tuyến cố định. Do đó, Thông tư 12/2020 cần thiết phải sửa đổi để phù hợp với các quy định tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đang sửa đổi một số thông tư như: Thông tư 73/2014 (ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của ô tô), Thông tư 09/2015 (quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của ô tô)... Do đó, một số nội dung tại Thông tư 12/2020 cũng cần sửa đổi, bổ sung để thống nhất với dự thảo các thông tư sửa đổi, bổ sung nêu trên.

Cũng theo Cục Đường bộ, một số nội dung quy định tại Thông tư 12/2020 khi áp dụng trên thực tế cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế và quy định chặt chẽ trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Cụ thể là trách nhiệm trong việc quy định về quản lý tuyến cố định; quy định về cung cấp, khai thác dữ liệu trên các hệ thống phần mềm của Bộ GTVT (phần quản lý dữ liệu camera, phần mềm quản lý lệnh vận chuyển)...

“Từ những phân tích nêu trên, việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2020 là cần thiết và đủ cơ sở pháp lý” - Cục Đường bộ trình bày.

ca-me-ra-trên-ô-tô.jpg
Cục Đường bộ đề xuất siết chặt hơn nữa hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô. Ảnh: Đ.TRANG

Truyền dữ liệu chậm sau ba ngày phải có đơn đề nghị

Dự thảo thông tư có nhiều điểm mới bổ sung so với thông tư hiện hành để phù hợp với thực tiễn. Đáng chú ý, tại Điều 9 của dự thảo quy định về cung cấp dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên ô tô đề xuất tăng thời gian truyền dữ liệu về máy chủ từ 2 phút lên thành 5 phút (kể từ thời điểm máy chủ dịch vụ nhận được dữ liệu).

Trường hợp dữ liệu truyền bị gián đoạn do sự cố đường truyền, sự cố hệ thống máy chủ truyền hoặc máy chủ nhận thì cho phép gửi đồng thời cả dữ liệu cũ và dữ liệu tại thời điểm đường truyền hoạt động bình thường trong thời gian không quá ba ngày.

Đối với các trường hợp quá ba ngày, đơn vị truyền dữ liệu phải có văn bản đề nghị truyền lại dữ liệu (nêu rõ biển số xe, số ngày truyền, dung lượng truyền và nguyên nhân) gửi Cục Đường bộ trước khi thực hiện để bố trí kênh truyền.

Hiện hành, Thông tư 12/2020 chỉ quy định dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe phải được truyền về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong thời gian không quá 2 phút, kể từ thời điểm máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải nhận được dữ liệu. Trường hợp đường truyền bị gián đoạn thì cho phép gửi đồng thời cả dữ liệu cũ và dữ liệu hiện tại khi đường truyền hoạt động bình thường.

Dự thảo cũng bổ sung tại Điều 10 quy định về khai thác, sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên ô tô. Cụ thể, Sở GTVT khai thác, sử dụng dữ liệu trên hệ thống thông tin của Cục Đường bộ để phục vụ công tác quản lý; thực hiện kiểm tra các thông tin của dữ liệu được trích xuất, thông báo đến Cục Đường bộ đối với các trường hợp dữ liệu có bất thường hoặc cần kiểm tra lại thông tin.

Trên cơ sở đó, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Cục Đường bộ và Sở GTVT để phù hợp với quy định ở trên.•

Cần chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách ô tô TP.HCM, đề xuất nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách sau vụ gây tai nạn từ nhà xe Thành Bưởi.

Theo ông Tính, Cục Đường bộ cần nhanh chóng nâng cấp cơ sở hạ tầng, chuyển giao dữ liệu GPS và camera về cho các sở GTVT để một tháng/lần cung cấp dữ liệu vi phạm về cho các sở xử 1ý. Sau đó, hai tuần/lần và tốt nhất là giám sát online để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các vi phạm.

P8_hinhBOX.jpg
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách ô tô TP.HCM đề xuất nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải. Ảnh: THY NHUNG

“Ban an toàn giao thông các cấp không chỉ thống kê số liệu mà cần phân tích các dữ liệu về tai nạn giao thông và vi phạm khi lưu thông. Công khai lên trang website của đơn vị mình để cộng đồng giám sát. Riêng các sở GTVT cần định kỳ mời các doanh nghiệp, hợp tác xã có sai phạm đến họp chấn chỉnh và buộc đăng ký khắc phục” - ông Tính đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Tính cũng cho rằng các đơn vị kinh doanh vận tải nên nghiên cứu chọn loại hình dễ dàng nhất để hoạt động, không nên dừng lại ở một loại hình đang hoạt động. Đồng thời cần nhanh chóng kiện toàn bộ phận an toàn giao thông của đơn vị mình đủ sức thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị định 10/2020 và Thông tư 12/2020 quy định.

“Về lâu dài, Bộ GTVT nên bổ sung, điều chỉnh những quy định bất hợp lý hiện nay, vừa cởi trói và tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động vận tải bằng ô tô được thuận lợi hơn” - ông Tính nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm