Bộ GD&ĐT vừa ban hành dự thảo “Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học”. Theo đó, nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học chỉ còn 10 mục; không còn phân loại chính quy hay vừa học vừa làm, loại khá hay giỏi. Những cách gọi như "bằng kỹ sư", "bằng bác sĩ" cũng sẽ bỏ.
Trao đổi với PLO, PGS-TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, cho biết các nước trên thế giới đang áp dụng hình thức như vậy, các hình thức đào tạo có thể khác nhau nhưng bằng cấp thì không phân biệt. Ở nước ta, vốn dĩ bằng tại chức có tổ chức đào tạo khác nên thường người ta quan niệm bằng tại chức không được như bằng chính quy.
"Việc hai bằng tại chức và chính quy có giá trị như nhau, không phân biệt bằng này bằng kia thì các cơ sở giáo dục đại học phải như nhau, chất lượng đào tạo phải như nhau, vấn đề khảo thí cũng phải như nhau, cách đánh giá điểm cũng như nhau. Anh muốn học thế nào thì học nhưng qua kiểm tra, đánh giá như nhau, anh đạt hay không mới là vấn đề quan trọng. Tránh tình trạng tổ chức đào tạo khác nhau, chất lượng đào tạo lại khác nhau mà bảo hai cái bằng giống nhau" - PGS-TS Trần Văn Tớp cho biết.
Về vấn đề bằng đại học sẽ không ghi xếp loại khá, giỏi, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa cho biết trước nay chỉ có bằng tiến sĩ người ta mới không phân loại. Tuy nhiên, việc phân loại sẽ tạo động lực cho người học. Ở bên Nga còn chia ra bằng xanh và bằng đỏ, bằng đỏ dành cho người có lực học xuất sắc.
"Việc không ghi xếp loại lực học trên bằng đại học thì cần phải ghi ở trong bảng điểm. Lực học mặc dù không phải là tất cả nhưng thể hiện sự cố gắng của người học trong quá trình học, và ở đâu đó nó là một phần thể hiện kiến thức của người học để người tuyển dụng biết người này có ý thức học tập tốt và có khả năng học tập. Mặc dù không phải cứ người học tập tốt thì sau này sẽ thành công nhưng ít nhất là họ thành công trong quá trình họ học".
Về vấn đề tên bằng đại học ghi chung là bằng cử nhân, PGS-TS Trần Văn Tớp cho rằng điều đó phù hợp với toàn thế giới. Hiện ở một số nước mà có truyền thống cấp bằng kỹ sư thì giờ cũng không cấp nữa, ít nhất như ở Nga hiện cấp bằng theo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Ở bên Mỹ, những người học ngành kỹ thuật khi tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân kỹ thuật. Sau khi ra trường, đi làm một thời gian ở lĩnh vực đó, trải qua một kỳ thi kiểm tra thì mới được Hiệp hội Kỹ sư cấp bằng kỹ sư. Ở Pháp, bằng kỹ sư tương đương thạc sĩ, khi làm tiến sĩ người học không cần học thạc sĩ nữa.
"Lâu dài chúng ta cần hội nhập với thế giới nhưng trong giai đoạn chuyển tiếp thì vẫn cấp bằng kỹ sư, như Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cấp cả bằng cử nhân và bằng kỹ sư và dự kiến vẫn cấp bằng kỹ sư. Ai muốn dừng ở cử nhân xong học lên thạc sĩ thì cũng được, mà ai muốn chuyển sang đi theo hướng kỹ sư luôn cũng được. Cá nhân tôi quan niệm bằng kỹ sư là bằng sau đại học" - PGS-TS Trần Văn Tớp nói.
Đồng quan điểm, GS-TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cũng cho rằng việc hai bằng tại chức và chính quy có giá trị như nhau thì cần phải nâng cao chất lượng đào tạo tại chức để có chất lượng như chính quy.
Về việc tất cả sinh viên tốt nghiệp đại học đều có bằng được ghi là bằng cử nhân mà không còn ghi những bằng đặc trưng với ngành nghề như "bằng kỹ sư", "bằng kiến trúc sư", "bằng bác sĩ", "bằng dược sĩ"… GS-TS Nguyễn Hữu Tú cho biết trong ngành y có hệ cử nhân y khoa và bác sĩ y khoa. Nếu ghi chung thì không phân biệt được vì cử nhân y khoa chỉ có bốn năm, còn bác sĩ y khoa là sáu năm. "Theo tôi, hệ bác sĩ vẫn phải ghi là bằng bác sĩ và đương nhiên trình độ bác sĩ đã có cử nhân rồi. Tôi cũng nghĩ rằng bảng điểm học tập nên đi cùng cái bằng và nhà tuyển dụng cần xem xét kết quả học tập đó" - phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết.