Theo hồ sơ, năm lên 18 tuổi, Thuận bị lừa sang Trung Quốc. Sau đó Thuận lấy chồng và sinh sống ở Trung Quốc. Đến tháng 3-2015, Thuận trở về quê thăm gia đình. Lúc này nhiều người dân vùng biển huyện Diễn Châu thiếu việc làm nên đến thăm hỏi Thuận và nhờ Thuận đưa sang Trung Quốc để làm việc. Thuận không đồng ý vì những người này không có tay nghề đưa sang Trung Quốc khó kiếm việc làm.
Bị cáo Nguyễn Thị Thuận (ngồi hàng đầu) tại phiên tòa sơ thẩm.
Tuy nhiên, do có nhiều người năn nỉ, nhờ vả nên Thuận liên lạc với Lan - người Việt lấy chồng ở Trung Quốc để hỏi tình hình. Lan nói đưa người sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch phải đóng chi phí 4,5 triệu đồng/người. Thuận thông báo lại với người dân rằng khi sang Trung Quốc phải tự tìm việc làm.
Có tổng cộng 16 người ở xã Diễn Bích và xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) đóng 55 triệu đồng đưa cho Thuận tiền "chi phí đi nước ngoài". Có năm người khác ở huyện Diễn Châu không có tiền, xin Thuận cho nợ, khi sang Trung Quốc tìm được việc làm sẽ trả lại tiền.
Trưa 27-3, Thuận đưa 21 người lên xe khách ra Hà Nội rồi bắt xe đưa đến khu vực Cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng). Sáng hôm sau Thuận cùng Lan đưa 21 người vượt sông sang Trung Quốc bằng bè nứa rồi lên ba ô tô chạy vào sâu nội địa Trung Quốc. Khi đi đến tỉnh Quảng Đông có 14 người bị cảnh sát Trung Quốc phát hiện, bắt giữ rồi trục xuất về nước. Bảy người còn lại được Thuận đưa về nhà chồng ở Trung Quốc rồi đi kiếm việc làm. Đến ngày 12-6, Thuận trở về Việt Nam và bị bắt giữ.
Sau khi bị bắt giữ, Thuận đã giúp cơ quan công an khám phá ra một đường dây tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Đây là tình tiết Thuận được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên án như trên.