Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt, chậm nhất đến năm 2020, TP.HCM xây dựng xong tổng cộng 5 tuyến đường trên cao với tổng chiều dài 70,7 km. Việc xây dựng các tuyến đường trên cao nhằm giải quyết giao thông ở các trục có lưu lượng xe cộ lớn.
Theo đó, trong Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải TP.HCM giai đoạn 2020-2030, Sở GTVT TP.HCM đã đưa 2 trong 5 tuyến đường trên cao ưu tiên đầu tư.
Cụ thể là tuyến đường trên cao số 1 và số 5. Tuyến số 1 (từ Cộng Hòa - Lăng Cha Cả - Điện Biên Phủ - cầu Thủ Thiêm 1) dài 9,5 km, mức đầu tư khoảng 17.500 tỉ đồng. Tuyến số 5 (từ trạm 2 đi theo quốc lộ 1 đến An Sương) dài 21,5 km, mức đầu tư khoảng 15.500 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư cho hai dự án này khoảng 33.000 tỉ đồng.
Ngoài tuyến số 1 và số 5, TP còn các tuyến khác gồm: tuyến đường trên cao số 2, dài gần 12 km, điểm đầu giao tuyến số 1 tại nút giao Lăng Cha Cả, điểm cuối tại quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh);
Tuyến số 3 dài 8 km, điểm đầu giao tuyến số 2 tại đường Thành Thái (quận 10), điểm cuối giao đường Nguyễn Văn Linh (quận 7); tuyến số 4 dài 7,3 km, điểm đầu giao tuyến số 5 trên quốc lộ 1, điểm cuối giao tuyến số 1 ở đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh.
Năm 2023, TP.HCM đã giao Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) nghiên cứu tiền khả thi các tuyến đường trên cao ở TP.HCM. Qua quá trình nghiên cứu, CII cũng đã đưa ra phương án ghép 3 tuyến đường trên cao tạo thành đường trên cao Bắc - Nam với tổng mức đầu tư hơn 30.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trong Kế hoạch đầu tư phát triển các dự án, công trình giao thông vận tải trọng điểm ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2024-2030, các dự án đường trên cao đã không được đề cập. Như vậy, từ nay tới năm 2030, loạt tuyến đường trên cao theo quy hoạch sẽ chưa được triển khai đầu tư.
Về vấn đề này, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện TP.HCM đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Theo đó, các tuyến đường trên cao chưa được đầu tư trong giai đoạn này. Có một số tuyến sẽ thay đổi một chút so với dự kiến ban đầu và thực hiện sau khi điều chỉnh quy hoạch.
Đồng thời, trong giai đoạn này, TP.HCM đang ưu tiên đầu tư những dự án trọng điểm liên vùng, cao tốc liên vùng, mang lại hiệu quả cao.