Đưa di sản cồng chiêng từ làng xuống phố núi Pleiku

(PLO)- “Đêm cồng chiêng cuối tuần” trở thành điểm hẹn không chỉ của người dân địa phương mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách mỗi khi đến với phố núi Pleiku.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đến hẹn lại lên, cứ vào tối thứ Bảy hằng tuần, khi phố lên đèn, tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP Pleiku, Gia Lai), “Đêm cồng chiêng cuối tuần - thưởng thức và trải nghiệm” lại rộn rã ngân vang tiếng cồng, tiếng chiêng đầy mị lực, thôi thúc.

“Cái cồng con chiêng đêm nay cũng thức”

Hòa chung tiếng cồng chiêng của những chàng trai, các cô gái hòa theo điệu múa nhịp nhàng mô tả công việc hằng ngày như tỉa lúa, gặt lúa, thêu thùa, dệt vải... Những điệu múa thường lặp lại, nhịp điệu đơn giản rất dễ để mọi người làm theo. Điều quan trọng là phải đồng điệu, hòa với nhịp chiêng lên xuống, tạo cảm giác nghe như thôi thúc, rạo rực.

Năm 2005, UNESCO công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đến năm 2008, được chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bắt nhịp với những nghệ nhân, người dân và du khách cũng tham gia vào những điệu nhảy, tay trong tay, nối vòng trong vòng ngoài nhịp nhàng, đu đưa.

Chị Đỗ Thị Mai (du khách đến từ Nam Định) chia sẻ: “Thật may mắn khi đoàn chúng tôi đến TP Pleiku đúng dịp có chương trình cồng chiêng như thế này. Tôi cảm thấy rất vui vì được hòa mình vào không khí lễ hội, được nhảy điệu múa của người Tây Nguyên. Tôi đã đi nhiều nơi và cảm thấy văn hóa nơi đây rất độc đáo, mới lạ và thu hút”.

Chị Mai cho biết mấy hôm đến Gia Lai chị đã tham quan nhiều địa điểm nổi tiếng và thưởng thức ẩm thực cơm lam gà nướng, lá mì của người đồng bào Tây Nguyên. Những địa danh đã đi qua, những món ngon trải nghiệm đều được cập nhật trên trang Facebook cá nhân và có hơn 5.000 lượt bạn bè xem, theo dõi.

Không chỉ du khách, chị Nguyễn Thùy Dương (ngụ phường Tây Sơn, TP Pleiku) cũng tỏ ra phấn khởi: “Mặc dù, tôi ở đây rất lâu rồi nhưng mỗi khi nghe tiếng cồng chiêng đều cảm thấy rạo rực, muốn được nhảy múa theo”.

Du khách chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ nhân. Ảnh: LÊ KIẾN
Du khách chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ nhân. Ảnh: LÊ KIẾN

Đây là chương trình do Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai) xây dựng, trình diễn miễn phí cho người dân tham quan, trải nghiệm và đã duy trì được hơn một năm nay, từ 19 giờ đến 21 giờ thứ Bảy hằng tuần.

Đặc biệt, chương trình diễn ra hoàn toàn tự nhiên, nghệ nhân là những nông dân thuần túy, ngày làm đồng, đêm đến tham gia chương trình; khán giả là công dân phố thị và du khách gần xa; ban tổ chức là những cán bộ của Phòng Quản lý văn hóa.

Nhờ cách làm mới, gần gũi nên chương trình thu hút rất nhiều người dân và du khách. Hoạt động thường xuyên này vì thế đã trở thành món ăn tinh thần “độc, lạ, hấp dẫn” vào mỗi cuối tuần.

Giữ hồn di sản

Sau những giây phút “cháy hết mình” trong không gian phố thị, nghệ nhân Rơ Lan Hglek (43 tuổi, người Jrai, làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê) chia sẻ: “Mình rất vui và tự hào được cùng đội cồng chiêng của huyện ra phố trình diễn cho mọi người xem. Nhờ dịp như thế này, bà con mình mới có cơ hội thể hiện nét văn hóa của dân tộc mình đến với người dân trong tỉnh và du khách”.

Theo chị Hglek, bình thường bà con hiếm có cơ hội để mặc trang phục truyền thống tham gia các lễ hội như hôm nay. Đây cũng là cách giúp các làng giữ gìn tốt hơn văn hóa của mình và bảo tồn, truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân lớn tuổi nhất trong đoàn biểu diễn là già Rơ Lan Hào (65 tuổi, làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê). Mặc dù tuổi cao nhưng ông rất hăng say, tham gia diễn với các nghệ nhân nhỏ tuổi, phục vụ người dân.

“Tôi rất vui được cùng các cháu tham gia đoàn cồng chiêng đi ra TP Pleiku biểu diễn. Nếu mình không giữ đội cồng chiêng này thì bọn trẻ ngày càng quên, văn hóa của làng sẽ bị mất dần” - ông Hào nói.

Chia sẻ về Đêm cồng chiêng cuối tuần, ThS Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, cho biết: “Chương trình đã duy trì được hơn một năm nay, hiện sở đã liên hệ được hơn 10 đội cồng chiêng từ các địa phương như TP Pleiku, thị xã An Khê, huyện Đắk Pơ, Chư Sê… tham gia. Đây là một điểm nhấn đặc sắc giữa lòng TP mỗi dịp cuối tuần, tạo điểm vui chơi giải trí”.

Đội cồng chiêng làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê biểu diễn phục vụ người dân và du khách. Ảnh: LÊ KIẾN
Đội cồng chiêng làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê biểu diễn phục vụ người dân và du khách. Ảnh: LÊ KIẾN

Theo ThS Tuệ, điều mà ông trăn trở nhất là kinh phí để duy trì chương trình bởi lâu nay mọi kinh phí tổ chức, chi cho các nghệ nhân đều lấy từ nguồn xã hội hóa. Trung bình, chi phí mỗi tháng không dưới 40-50 triệu đồng.

“Nói cho mĩ miều là xã hội hóa nhưng thực ra là toàn tiền chúng tôi đi xin các anh em, các nhà hảo tâm hỗ trợ. Về lâu dài, chúng tôi mong muốn có khoản chi phí hỗ trợ từ Nhà nước để duy trì chương trình” - ThS Tuệ nói.

Theo ông Tuệ, một số người bạn cũng hỏi thẳng rằng: “Chương trình bao giờ ngừng?”. Điều này khiến anh em chạnh lòng nhưng nhất quyết không bỏ cuộc. Cố gắng duy trì không bỏ đêm nào và cố “không nợ tiền công cho anh em nghệ nhân”. Nếu bỏ, coi như mọi công sức lâu nay đều tan biến.

Để tránh sự nhàm chán trong biểu diễn, ban tổ chức lên kế hoạch thay phiên nhau giữa các đội cồng chiêng, không lặp lại trong tháng. Đồng thời, đa dạng hóa các loại nhạc cụ, tiết mục dân ca nhằm thu hút người xem.

Từ khi triển khai đến nay, chương trình đã nhận được nhiều đánh giá từ những người làm trong lĩnh vực văn hóa, cho rằng chương trình đã góp phần rất tốt trong công tác bảo tồn văn hóa bản địa.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hùng Hoa Lư (Gia Lai) chia sẻ: “Đây là chương trình có ý nghĩa, rất nhiều du khách ở xa như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đã đến Pleiku và có đêm trải nghiệm văn hóa như vầy là rất tuyệt vời. Họ sẽ là những người chia sẻ câu chuyện này cho bạn bè, người thân và góp phần quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người Gia Lai giàu văn hóa, mến khách”.

Theo anh Hùng Hoa Lư, anh tham gia chương trình cũng là để ghi lại những hình ảnh, khoảnh khắc đẹp và chia sẻ, đăng tải lên các trang mạng xã hội cho nhiều người cùng biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm