Đưa dòng chảy nông sản Việt thâm nhập thị trường Mỹ

(PLO)- Đưa nông sản Việt vào thị trường Mỹ thông qua hệ thống phân phối lớn là mục tiêu trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tại Mỹ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan có nhiều cuộc gặp gỡ với quan chức, doanh nghiệp (DN) nước này. Khi vừa bắt đầu chuyến công tác, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã làm việc ngay với thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Sau đó, ngày 13-5, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dự tọa đàm đối thoại kinh tế nông nghiệp VN - Mỹ, nhằm mục đích kết nối DN nông nghiệp hai nước. Trao đổi bên hành lang tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: “Chúng ta mong muốn nông sản VN vào Mỹ và thâm nhập phân khúc cao, thông qua các nhà phân phối lớn của Mỹ”.

Đưa nông sản Việt vào hệ thống phân phối lớn

. Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, qua các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Mỹ, đối thoại với DN nông nghiệp hai nước, chúng ta có định hướng mới nào và đâu là mục tiêu nhắm tới?

+ Bộ trưởng Lê Minh Hoan (ảnh): Qua đối thoại, hai bên đã hiểu nhau hơn về vấn đề nông nghiệp. Chúng ta đang cố gắng đẩy mạnh đưa nông sản sang thị trường Mỹ, một thị trường nhập khẩu hàng đầu, đầy tiềm năng của VN. Nông sản VN đang muốn đi vào phân khúc cao tại thị trường Mỹ, qua các hệ thống phân phối lớn. Chúng ta phải thấu hiểu được yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường này.

Từ trước tới nay, chúng ta chủ yếu xuất khẩu, bán nông sản qua các cửa hàng của người Việt, người gốc Á, chưa thâm nhập các hệ thống phân phối lớn như Walmart hay những tập đoàn phân phối lớn khác. Lần này, chúng tôi mong muốn chuyển đến thị trường cấp cao, rộng lớn hơn để mang lại giá trị cao hơn cho nông sản VN.

Ở chiều ngược lại, chúng ta cũng mong muốn các DN Mỹ kết nối, thông qua các DN VN, trực tiếp hoặc gián tiếp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Vì Mỹ có thế mạnh về công nghệ sinh học, công nghệ di truyền trong nông nghiệp.

. Bộ trưởng có thể chia sẻ cụ thể một vấn đề mà mình kỳ vọng sau các tiếp xúc, làm việc, tọa đàm với quan chức, DN nông nghiệp của Mỹ?

+ Chúng ta sẽ đàm phán với các nhà xuất khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản để nội địa hóa dần nguyên liệu vì chúng ta đang phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ.

Chúng ta kêu gọi các DN của Mỹ thay vì bán nguyên liệu thì sang VN để đầu tư ở những vùng nguyên liệu, thay thế một phần nguyên liệu nhập khẩu cho thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Hoạt động chế biến sản phẩm nông sản xuất đi các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Úc… tại một công ty xuất nhập khẩu tỉnh An Giang. Ảnh: TTXVN

Hoạt động chế biến sản phẩm nông sản xuất đi các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Úc… tại một công ty xuất nhập khẩu tỉnh An Giang. Ảnh: TTXVN

Vượt qua đòi hỏi của thị trường Mỹ

. Thị trường Mỹ rất khắt khe, đnông sản thâm nhập được thị trường này ở phân khúc cao thì DN VN cần làm gì?

+ Thị trường Mỹ đòi hỏi chuẩn mực cao nhưng DN VN vẫn có thể vượt qua được nếu không đi một mình mà đi cùng nhau, đi cùng các cơ quan trung ương như Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, các cơ quan liên quan. Chúng ta cùng nhau chuẩn hóa từ nguyên liệu, đồng ruộng đến nhà máy… trước khi đưa sản phẩm sang Mỹ. Điều này có hai tác dụng: Một là nông sản đáp ứng được chuẩn mực của VN, hai là đáp ứng được tiêu chuẩn của Mỹ.

Trong chuyến công tác này, chúng tôi cũng kết nối với các cơ quan liên quan của Mỹ, họ sẽ cử chuyên gia sang VN, cùng với các chuyên gia, cơ quan hữu quan của VN để thống nhất các tiêu chuẩn Mỹ và VN. Các DN VN sẽ đáp ứng được các chuẩn mực đó, tránh việc hàng hóa, sản phẩm bị trả về như trong một số thương vụ trước đây.

. VN đang thu hút đầu tư và triển vọng từ chuyến công tác này là gì?

+ Thông qua chuyến công tác này chúng ta nắm bắt yêu cầu, đề nghị để đón các DN Mỹ vào. Các cơ quan thương vụ, tham tán VN cũng đã có danh sách cùng với khuyến cáo từ nhiều DN, hiệp hội ngành hàng tại Mỹ.

Chúng ta mong muốn nông nghiệp VN tiếp cận các nền nông nghiệp tiên tiến và phát triển bền vững.

. Xin cám ơn Bộ trưởng.•

Thành lập liên minh để khắc phục hạn chế

Để các thương hiệu nông sản của VN hiện diện tại Mỹ, tôi mong các DN thực hiện một số thay đổi, chẳng hạn về tư duy. Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ những DN mong muốn phát triển thị trường bền vững tại Mỹ.

Một điều hết sức quan trọng đó là DN nên thành lập các liên minh xuất khẩu sang Mỹ để tránh cước phí vận chuyển cao. Khi có liên minh như vậy thì chi phí sẽ giảm nhiều. Thực tế, chi phí cao là một vấn đề các DN VN quan ngại khi xuất khẩu sang Mỹ, vì yếu tố này làm giảm sức cạnh tranh so với nông sản các nước gần Mỹ.

Thành lập liên minh là cách DN đi cùng nhau để bảo vệ nhau. Chính phủ và các cơ quan sẵn sàng cung cấp thông tin, đồng hành với DN. Khi về nước chúng tôi sẽ vận động các DN thành lập liên minh, hội đoàn đồng đẳng với những liên minh, hiệp hội nông nghiệp ở Mỹ.

Khi có liên minh và sự điều phối thì các DN nông nghiệp sẽ bổ sung cho nhau, hỗ trợ nhau tốt hơn, khắc phục được các điểm yếu của nhau. Chẳng hạn, các nhà phân phối nông sản của Mỹ sẽ yêu cầu sản phẩm lúc nào cũng phải có trên kệ hàng nhưng nông sản VN thì theo mùa, theo vùng. Vậy nếu liên minh với nhau, các DN có thể khắc phục được điều này.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT LÊ MINH HOAN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.