Đưa nội dung không hát karaoke kẹo kéo vào quy ước khu phố

Chiều 9-7, kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa IX bước vào phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm và bàn giải pháp sáu tháng cuối năm.
Các vấn đề về không tổ chức HĐND quận, phường, chăm sóc cây xanh, hát karaoke bằng loa kẹo kéo gây ra tiếng ồn…. được nhiều đại biểu quan tâm.
Dân chủ vẫn được phát huy khi không có HĐND
Đại biểu Lê Minh Đức (quận Thủ Đức) đề nghị cần sớm đề xuất Trung ương cho TP.HCM thực hiện Đề án không tổ chức HĐND quận và phường trên địa bàn TP trong thời gian tới.

Đại biểu Lê Minh Đức (quận Thủ Đức) đề nghị cần sớm đề xuất Trung ương cho TP.HCM thực hiện Đề án không tổ chức HĐND quận và phường trên địa bàn TP trong thời gian tới. Ảnh: LÊ THOA

Theo ông Đức, khi không tổ chức HĐND quận, phường thì tính chủ động trong chính quyền được nâng lên một bước, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính được chú trọng, quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực có hiệu lực, hiệu quả.
Đại biểu Đức cũng cho rằng, thực tế HĐND quận, phường chưa thực sự phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. “Còn ở khu vực nông thôn đang trong quá trình đô thị hóa, sự tồn tại HĐND xã ở mức độ nào đó làm phân tán, cắt khúc bộ máy chính quyền địa phương thành nhiều tầng cấp khác nhau.
Chưa kể, cơ cấu tổ chức bộ máy HĐND và UBND các cấp hiện nay còn bộc lộ một số bất hợp lý, đang tồn tại nhiều cấp, nhiều tầng nấc trung gian, chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần cải cách hành chính nhà nước”, ông Đức phân tích thêm.
Đại biểu Lê Minh Đức cũng chỉ rõ, kinh nghiệm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận và phường trên địa bàn trong giai đoạn 2011 -2016, UBND các quận, phường không có HĐND đã hoạt động ổn định, quyền làm chủ của nhân dân vẫn được phát huy, giảm bộ máy trung gian, giảm chi phí hành chính.
Bất hòa, án mạng từ karaoke kẹo kéo
Đại biểu Cao Thanh Bình (quận 9) cho biết khi thực hiện việc giám sát về tình hình an ninh trật tự tại các quận/huyện, đa số người dân bày tỏ bức xúc về tình trạng gây ồn ào từ hát karaoke công suất lớn.
Điều đáng nói, đây là lần thứ ba Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM nêu vấn đề này trước nghị trường, nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Bà Tô Thị Bích Châu đề nghị đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào vào Hương ước, Quy ước của khu phố, ấp. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Tiếng ồn từ loa kẹo kéo hát karaoke, ca nhạc đường phố, hát thâu đêm tại các khu dân cư với âm thanh rất lớn, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân.
Đã có những vụ việc gây bất hoà trong cuộc sống của các hộ lân cận, tình nghĩa xóm ấp, khu phố bị rạn nứt, thậm chí xảy ra án mạng như vụ việc ở Bình Chánh vừa qua”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, mặc dù các địa phương đã có những biện pháp xử lý nhưng chưa đủ mạnh, chưa quyết liệt. Từ đó, ông Bình đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp hiệu quả, đủ mạnh để chấn chỉnh tình trạng này.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đề nghị UBND TP đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào vào Hương ước, Quy ước của khu phố, ấp để nhắc nhở người dân tự giác thực hiện.
Bà Châu cho biết thêm Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã có văn bản đề nghị  các cơ quan chức năng và UBND các cấp thường xuyên kiểm tra và kiên quyết xử lý triệt để vấn nạn hát karaoke gây tiếng ồn trong khu dân cư theo Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ.
 

Băn khoăn sau vụ cây ngã ở quận 3

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm (quận Bình Tân) nêu quan tâm về vấn đề chăm sóc cây xanh sau vụ cây ngã ở trường THCS Bạch Đằng, quận 3. Bà cho biết, lâu nay việc chăm sóc cây được giao khoán hết cho trường. Nhưng việc khoán cho trường như vậy có nhiều bất cập vì trường không có chuyên môn về cây xanh, không biết chăm sóc, cắt tỉa.

Đưa nội dung không hát karaoke kẹo kéo vào quy ước khu phố ảnh 3
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm (quận Bình Tân) đề xuất giao Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chăm sóc cây xanh trong trường. Ảnh: LÊ THOA

Theo bà Trâm, sau vụ cây ngã đổ, có trường mời các đơn vị chuyên môn, các cơ quan nhà nước đến chăm sóc cây, té nhánh cây nhưng mức phí lại rất cao, gây khó cho trường.

“Họ sẽ lấy từ đâu, nếu lấy từ nguồn chăm sóc, giáo dục thì ảnh hưởng đến học sinh. Nên chăng giao Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chăm sóc cây xanh trong trường, kinh phí có thể do ngân sách bỏ ra hoàn toàn hoặc một phần để hỗ trợ cho các trường”, Đại biểu Trâm đề nghị. Bà cũng cho rằng việc nhiều trường chặt cây cũng không phải cách hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm