Thông tin trên xuất phát từ tờ báo trên lên tiếng căn bệnh dàn xếp tỉ số trên toàn cầu và có khuynh hướng lan sang nhiều môn thể thao khác như bóng rổ, quần vợt và cả eSports…
Thậm chí tờ báo này còn chỉ ra các đội bóng từ Brazil, Nga, Việt Nam, Cộng hòa Czech, Armenia… thường xuyên góp mặt trong các trận giao hữu đáng ngờ, tăng từ 38 vào năm 2019 lên 62 vào năm 2020.
Trong khi bóng đá trẻ Việt Nam đang cố gắng xây dựng hình ảnh tốt như trên thì có những đội, những lãnh đạo đội bóng lại dạy cầu thủ thi đấu thiếu tích cực để đạt thành tích. Ảnh: ANH HÒA
Dựa vào đâu mà báo Anh gom bóng đá Việt Nam vào cùng bóng đá thế giới và kết luận hẳn hoi?
Thực chất là báo Anh không điều tra mà dựa vào lệnh cấm của FIFA có hiệu lực trên toàn thế giới đối với 11 cầu thủ U-21 Đồng Tháp bán độ dựa vào bản án kỷ luật của VFF tại trận đấu giữa U-21 Vĩnh Long và U-21 Đồng Tháp ngày 19-6-2019 trong khuôn khổ vòng loại U-21 quốc gia. FIFA đã đưa ra thời hạn kỷ luật giống với thời hạn trong án phạt của VFF nhưng chỉ khác là phạm vi áp dụng được mở rộng ra toàn thế giới.
Bên cạnh đó, báo Anh cũng dựa vào những thông tin mà chính VFF từng nhận định trận đấu giữa U-19 Đắk Lắk thắng U-19 Bình Định 6-2 tại giải U-19 quốc gia 2020 có dấu hiệu bất thường và báo cáo từ giám sát và trọng tài chỉ nêu chung chung là “các cầu thủ thi đấu không đúng khả năng mà không có lý do chính đáng”.
Cũng trong giải U-19 quốc gia, trận đấu giữa CAND và SL Nghệ An trong khuôn khổ bảng B, giải U-19 quốc gia 2020, nửa cuối hiệp 2, cầu thủ hai đội chỉ chuyền bóng qua lại nhằm giữ kết quả hòa để cùng dắt tay nhau vào vòng trong. Dù xác định các cầu thủ thi đấu thiếu tích cực nhằm giành quyền đi tiếp chứ không hẳn là dàn xếp tỉ số theo kiểu mua bán độ nhưng rõ ràng vấn đề giáo dục cầu thủ trẻ ở những giải trẻ rất đáng quan tâm dù mục đích của người lớn tác động xuống các em chỉ là bằng mọi giá có thành tích tốt.