Mỗi năm, TP.HCM thả gần một triệu con cá giống xuống kênh rạch, chủ yếu là kênh Nhiêu Lộc, kênh Tàu Hũ để cân bằng hệ sinh thái. Tuy nhiên, mỗi ngày có hàng trăm người câu cá dọc kênh Nhiêu Lộc (dài gần 9 km) và kênh Tàu Hũ (dài 22 km).
Trước tình trạng này, UBND các phường nằm dọc kênh cho treo nhiều biển cấm đánh bắt, câu cá. Ảnh: H.VÂN
Không ít người dân bức xúc trước hình ảnh "xấu xí" này. Cô Nguyễn Thị Dung, ngụ phường 14, quận Phú Nhuận, cho biết: “Mỗi buổi sáng đi tập thể dục tôi thấy có nhiều người đến câu cá, mặc dù biển cấm treo đầy nhưng họ vẫn bất chấp, nhiều khi họ còn xé toạc ra. Việc làm này thuộc về ý thức riêng của mỗi người nên có treo biển cũng vậy thôi, cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý mạnh hơn nữa thì mới mong dẹp được.”
Nhiều người vẫn vô tư câu cá, bất chấp lệnh cấm. Trong ảnh: nhóm người đang buông cần trên kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè sáng 18-6 tại đường Trường Sa. Ảnh: NGUYỄN THẮNG
Đa số coi việc câu cá là hình thức giải trí nhưng cũng có người câu chuyên nghiệp với 2-3 ký mỗi ngày để đem bán. Ngoài cách câu thông thường, nhiều người còn sử dụng cần câu chùm sáu lưỡi để giật cá.
Hai cần thủ vô tư câu cá mà chẳng có thấy bóng dáng cơ quan chức năng. Ảnh: NGUYỄN THẮNG
Đặc biệt vào các ngày cuối tuần, lượng người câu cá rất nhiều. Có người mang từ 2-3 cần câu, tuy nhiên không hề thấy cơ quan chức năng nhắc nhở.
Khi hỏi một người đang buông cần tại sao có biển cấm nhưng lại vẫn câu, người này trả lời chỉ là giải trí thôi, nhà gần ngay đây buổi chiều ra câu hóng mát.
Một cần câu tay, một cần câu máy được nam thanh niên này mang ra kênh Nhiêu Lộc câu cá. Ảnh: NGUYỄN THẮNG
Một người câu cá tên Dũng cho biết: “Tôi thấy có nhiều người câu cá mà không ai nhắc nhở nên cũng tham gia cho vui. Câu được cá lớn thì mang về còn cá nhỏ lại thả”.
Theo một số người dân, hiện nay vẫn có nhiều người mang hẳn ghe xuồng vào ban đêm để đánh bắt cá với số lượng lớn khiến cho lượng cá tại kênh đang bị giảm sút.
Thậm chí vào các ngày cuối tuần, ngày rằm, mùng một khi nhiều nhà chùa thả cá phóng sinh, một lúc sau là có nhiều người mang bình điện, lưới để vớt cá đem bán.
Mới đây, ngày 12-6, Phó Chủ tịch UBND quận 1, ông Đoàn Ngọc Hải ký văn bản đề nghị Phòng Cảnh sát đường thủy Công an TP.HCM, Thanh tra Sở GTVT tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý tình trạng đánh bắt cá trái phép ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Ông Lê Tiến Sĩ, Chủ tịch UBND phường Tân Định, quận 1, cho biết hiện nay có nhiều người câu cá ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, tuy nhiên đa số người câu để giải trí. Trong khi đó, luật chỉ xử lý các trường hợp gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản như hình thức chài lưới, chích điện. Vì vậy, đối với các trường hợp câu cá nhỏ lẻ, chỉ có một lưỡi câu thì chưa có quy định cụ thể để xử lý.
Đối với trường hợp đánh bắt cá bằng ca nô thì UBND phường không có phương tiện để theo dõi và xử lý.
Nhiều năm nay, UBND phường Tân Định chỉ tuyên truyền, vận động người dân không câu, đánh bắt cá trên kênh rạch. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp làm rơi, vãi thức ăn và dựng xe dưới lòng đường gây cản trở giao thông. Đây được coi là một trong những giải pháp tạm thời để làm giảm tình trạng đánh bắt cá trên kênh, rạch.
Nhiều năm trước, TP cũng đã ra nhiều văn bản chỉ đạo cấm đánh bắt, câu cá trên kênh rạch. Tuy nhiên, hiện công tác này không mấy hiệu quả do thiếu luật.
Cụ thể, Nghị định số 103 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản chưa có quy định xử phạt đối với hành vi câu cá trên các kênh rạch, ao, hồ trong khu vực đô thị.
Do đó, TP chỉ có thể vận dụng điều 6 Nghị định số 171 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, nếu như người câu cá dừng đỗ xe lấn chiếm lòng lề đường thì sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Lực lượng trật tự đô thị các phường được giao trách nhiệm phối hợp công an tiến hành kiểm tra, xử phạt.