Sở TN&MT TP.HCM nêu vướng mắc về phân loại chất thải nguy hại

(PLO)- Sở TN&MT kiến nghị Bộ TN&MT xem xét và có ý kiến hướng dẫn đối với các nhóm đối tượng “hộ gia đình, cá nhân” không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải nguy hại đã được phân loại riêng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam

Sở TN&MT vừa có báo cáo gửi Bộ TN&MT về vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách khuyến khích phân loại riêng chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được quy tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT).

Sở TN&MT TP.HCM nêu vướng mắc về phân loại chất thải nguy hại
TP.HCM hướng dẫn học sinh phân loại chất thải nguy hại. Ảnh: NC

Theo Sở TN&MT TP.HCM, nhằm cụ thể hóa quy định tại Khoản 2 Điều 75 Luật BVMT, Sở TN&MT đang được giao chủ trì xây dựng, tham mưu UBND TP ban hành theo quy định. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Luật BVMT và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn có liên quan, Sở TN&MT đã gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Theo đó, một trong những vướng mắc được đưa ra là về đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi trong thực hiện phân loại, xử lý chất thải nguy hại phát sinh.

Cụ thể, Sở này cho rằng đối tượng là “cá nhân” được quy định trong Luật BVMT khá rộng và dễ trùng lắp với các nhóm đối tượng khác. Trong khi việc xác định các nhóm đối tượng không phải chi trả giá dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại hộ gia đình, cá nhân ảnh hưởng đến ngân sách của TP chi trả cho công tác này cũng như xây dựng các quy định có liên quan trong công tác quản lý.

Do đó, Sở TN&MT kiến nghị Bộ TN&MT xem xét và có ý kiến hướng dẫn đối với các nhóm đối tượng “hộ gia đình, cá nhân” không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải nguy hại đã được phân loại riêng.

Một trong những vướng mắc nữa mà Sở TN&MT TP đưa ra là về nguồn kinh phí xử lý chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.

Liên quan vướng mắc này, Sở TN&MT nêu rõ, tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP có quy định “Nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 54 Luật BVMT thì không phải thực hiện các cách thức tái chế quy định tại khoản 2 Điều này.

Bên cạnh đó, Nghị định 08/2022/NĐ-CP cũng nêu rõ: tiền đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam quy định tại Nghị định này được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì theo quy định.

Do vậy, Sở TN&MT kiến nghị Bộ TN&MT thông tin danh sách các đơn vị đã đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT để thực hiện việc thu hồi, tái chế sản phẩm thải bỏ để các tỉnh thành được biết. Bên cạnh đó có hướng dẫn cụ thể các tỉnh thành trong việc sử dụng nguồn tài chính này phục vụ hoạt động thu gom, vận chuyển bao bì thải bỏ tại địa phương.

Mặt khác, tại khoản 1 Điều 79 Luật BVMT có quy định: “Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý”.

"Để đảm bảo tính liên tục trong công tác thu gom, xử lý chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng theo quy định, kiến nghị Bộ TN&MT xem xét, có ý kiến đối với việc sử dụng nguồn ngân sách của TP.HCM để chi trả toàn bộ hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn"- Sở TN&MT nêu kiến nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm