Ngày 31-1, trao đổi với PLO, bà Nguyễn Thị Lan, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, cho biết sở không cấp phép cho Công ty CP Cơ khí Lâm Thăng Long (Công ty Lâm Thăng Long, trụ sở tại TP Hải Phòng) đổ thải từ Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 tại khu dân cư Ninh Thủy ở phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa.
Lo chất thải từ nhà máy nhiệt điện
Nhiều bạn đọc bức xúc phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM việc một doanh nghiệp ngang nhiên chở chất thải từ Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đổ thải tràn lan ngoài môi trường gây lo ngại đối với người dân.
Theo ông Tạ Thành Tùng (ngụ tỉnh Khánh Hòa), việc đổ thải diễn ra hơn một tuần nay. “Ngày nào cũng có hàng chục lượt xe ben loại lớn chở đầy vật liệu thải từ Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 ra đổ tại khu dân cư Ninh Thủy. Nhiều người chứng kiến chất thải đổ chất đống trong khu dân cư rất lo lắng về môi trường, sức khỏe”- ông Tùng trình bày.
Sau nhiều lần chứng kiến việc đổ thải bừa bãi, ông Tùng phản ánh đến nhiều cơ quan thẩm quyền của tỉnh Khánh Hòa nhưng chưa cơ quan nào phản hồi và việc đổ thải vẫn diễn ra hàng ngày.
Nhà ông H cách nơi đổ thải không xa nên gia đình ông rất lo lắng khi mỗi ngày có hàng chục xe ben loại lớn chạy vào đổ thải, bụi bay mù mịt. “Họ đổ thải liên tục từ sáng đến chiều tối. Nhà tôi ở gần nên rất lo lắng vì nghe nói chất thải này chở từ Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 ra”- ông H. lo lắng.
Chính quyền địa phương xác nhận doanh nghiệp đổ thải ra môi trường mà người dân phản ánh là Công ty Lâm Thăng Long. Khu vực đổ thải nằm trong phần đất quy hoạch của khu dân cư Ninh Thủy, phường Ninh Thủy do Công ty CP Hoàn Cầu Ninh Hòa làm chủ đầu tư. Vị trí đổ thải nằm sát quốc lộ 26B, cách Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 khoảng 10 km.
Theo ghi nhận của PV, nhiều đống chất thải rắn do xe ben đổ rộng hằng trăm m2. Một lái xe xác nhận số chất thải này chở từ bên trong Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1.
Theo một lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa, UBND thị xã đã yêu cầu UBND phường Ninh Thủy báo cáo việc đổ thải của Công ty Lâm Thăng Long theo phản ánh của người dân.
Trao đổi với PV, ông Đàm Ngọc Long, Giám đốc Công ty Lâm Thăng Long xác nhận doanh nghiệp này đang chở chất thải rắn từ Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 ra đổ nhằm san lấp khu dân cư Ninh Thủy.
Ông Long nói đã cơ quan chức năng đã cho phép chở chất thải rắn từ Nhà máy nhiệt điện ra ngoài.
Chưa cấp phép việc đổ thải
Theo hồ sơ, ngày 8-12-2023, Công ty Lâm Thăng Long có văn bản đề nghị Sở TN&MT Khánh Hòa chấp thuận phương án sử dụng chất thải rắn xây dựng có khả năng tái sử dụng trong mục đích san lấp mặt bằng tại dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 để san lấp mặt bằng các khu vực thấp tại dự án khu dân cư Ninh Thủy.
Đến ngày 25-12-2023, Sở TN&MT có văn bản trả lời, trong đó nêu luật không quy định đơn vị vận chuyển chất thải rắn thông thường phát sinh từ hoạt động xây dựng phải lập phương án vận chuyển, san lấp mặt bằng gửi Sở TN&MT phê duyệt, chấp thuận.
Tuy nhiên, Sở TN&MT lưu ý công ty trên tiếp nhận chất thải rắn thông thường phát sinh từ hoạt động xây dựng để sử dụng cho mục đích san lấp mặt bằng phải theo đúng mục đích sử dụng đất đã được phê duyệt.
Trao đổi với PLO, bà Nguyễn Thị Lan, Phó giám đốc Sở TN&MT Khánh Hòa, khẳng định văn bản trên không có tính pháp lý cho phép hay hướng dẫn việc đổ thải.
“Công văn trả lời này dựa trên thông tin của doanh nghiệp cung cấp là chất thải rắn xây dựng có khả năng tái sử dụng trong mục đích san lấp mặt bằng. Nếu đúng thì không thuộc danh mục phải cấp giấy phép theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Còn việc đổ thải ở đâu thì phải xem xét đất ở vị trí đổ có đúng mục đích sử dụng, đúng quy định hay không”- bà Lan nói.
Sở TN&MT đề nghị Công ty Lâm Thăng Long liên hệ Sở Xây dựng để được hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng, địa điểm đổ chất thải từ hoạt động xây dựng.
Sau khi Công ty Lâm Thăng Long có văn bản đề nghị, ngày 23-1, Sở Xây dựng có văn bản trả lời nêu đối với chất thải rắn xây dựng tại dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, hiện sở đang tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn.
“Chất thải rắn xây dựng phải được phân loại ngay tại nơi phát sinh. Chất thải rắn xây dựng có yếu tố nguy hại được phân loại riêng và quản lý theo quy định và không được dùng để tận dụng để làm vật liệu san lấp mặt bằng”- văn bản Sở Xây dựng nêu.
Sở Xây dựng yêu cầu đơn vị vận chuyển chất thải rắn xây dựng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch vận chuyển gửi chính quyền địa phương để theo dõi, kiểm tra.
Đối với việc vận chuyển khoáng sản dôi dư khi triển khai thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Sở Xây dựng đề nghị Công ty Lâm Thăng Long liên hệ Sở TN&MT để thực hiện theo quy định pháp luật về khoáng sản.
Trong khi cơ quan có thẩm quyền chưa chấp thuận thì Công ty Lâm Thăng Long đã tự ý vận chuyển chất thải rắn từ Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 ra ngoài xả ra môi trường với khối lượng lớn.
Chính quyền địa phương không nắm
Theo ông Trần Minh Dũng, Chủ tịch UBND phường Ninh Thủy, UBND phường nhận thông báo của Công ty CP Hoàn Cầu Ninh Hòa việc tập kết vật liệu của Công ty CP cơ khí Lâm Thăng Long.
“Họ có thông báo sẽ dùng vật liệu thải từ Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 ra san mặt bằng ở dự án khu dân cư Ninh Thủy. Đây là dự án của tỉnh và do Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong quản lý nên địa phương cũng chỉ nắm qua thông báo của doanh nghiệp. Còn việc đổ thải có giấy phép hay không và chất thải đó có nguy hại hay không thì phường không nắm vì không đủ thẩm quyền”- ông Dũng nói.
Còn bà Nguyễn Thị Hồng Hải, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, cho rằng việc cho sử dụng chất thải rắn ở dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.