Với tốc độ phát triển nhanh về mọi mặt, TP.HCM đã và đang chịu áp lực về lượng chất thải lớn. Ngành chức năng đánh giá sự cố chất thải là có thể xảy ra, đặc biệt là mùa mưa bão, triều cường hoặc do tác động vô ý của con người. Vì vậy, Sở TN&MT TP.HCM đã đưa ra dự thảo kế hoạch ứng phó với sự cố chất thải.
Nhiều điểm có khả năng xảy ra sự cố chất thải
Khả năng xảy ra sự cố chất thải rắn là sự cố công trình xử lý, lưu giữ chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại bị hư hỏng kết hợp với mưa, bão, lũ bất thường, sạt lở bãi chôn lấp gây tràn chất thải ra môi trường.
Đối với nước thải, khả năng xảy ra do mưa, bão bất thường làm đập hồ chứa nước thải chưa qua xử lý của nhà máy xử lý nước thải bị sạt lở thân đập, nước thải chảy ra môi trường và khu vực dân cư. Do trong quá trình lưu giữ, vận chuyển chất thải chưa qua xử lý các phương tiện vận chuyển bị tai nạn đâm, va làm lật, đổ, vỡ bồn chứa, nước thải chảy ra môi trường, khu vực dân cư, gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe của người dân.
Đối với khí thải, nguy cơ xảy ra do cháy các khí chứa chất thải nguy hại, các khí thải chất thải có chứa các chất POP phát tán hóa chất độc, khói độc ra môi trường, cháy bãi chôn lấp chất thải.
Theo báo cáo của Sở TN&MT TP, trên địa bàn TP có những khu vực có nguy cơ cao tập trung trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các bãi chôn lấp chất thải, khu xử lý nước thải tập trung.
Theo đó, sự cố chất thải rắn dự kiến có nguy cơ xảy ra ở bốn khu vực tập trung ở các bãi chôn lấp rác. Nguy cơ xảy ra sự cố chất thải lỏng có thể xảy ra ở 11 khu vực, chủ yếu tập trung ở các nhà máy xử lý nước thải, các khu công nghiệp, khu chế xuất và các bệnh viện khu vực nội đô. Ngoài ra, trên địa bàn TP còn có bốn khu vực có nguy cơ cao xảy ra chất thải khí, chủ yếu tập trung ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Tăng cường kiểm tra xử lý các khu công nghiệp vi phạm
Kế hoạch ứng phó với sự cố chất thải được đưa ra nhằm đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong quản lý nhà nước về ứng phó, khắc phục sự cố chất thải. Đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời khi xảy ra sự cố chất thải.
Để đảm bảo được mục tiêu đặt ra, Sở TN&MT cùng các đơn vị có liên quan thống nhất thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, giải pháp để phòng ngừa là xây dựng lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý, phòng ngừa, ứng phó với sự cố chất thải. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy vi phạm quy định về quản lý, xử lý chất thải.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm về dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục với sự cố chất thải. Đồng thời, nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo, thông báo, báo động sự cố trên địa bàn từ cấp TP đến cấp huyện...
Biện pháp để ứng phó và khắc phục hậu quả khi có sự cố chất thải được đưa ra là xác định và đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trên địa bàn. Các kịch bản ứng phó với từng loại sự cố theo tình huống dự kiến.
Song song đó, nếu có sự cố chất thải xảy ra sẽ sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ ngăn chặn, hạn chế chất thải phát tán ra môi trường, không cho chất thải rắn, lỏng phát tán ra môi trường. Có biện pháp ngăn chặn cháy tại bãi chôn lấp, xử lý khói và bảo đảm công tác tập kết rác về bãi rác, tiếp tục thực hiện công tác san ủi bằng cách đổ đất, đá cấp phối làm bãi tập kết rác mới ở khu vực khác trên bề mặt rác cũ, cách xa khu vực rác đang bốc cháy.•
13 loại hình dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Tại Nghị định 08/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, các cơ sở trên địa bàn TP có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được thống kê như sau:
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất theo các loại hình, ngành nghề chủ yếu gồm 13 loại hình dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể là sản xuất thủy tinh với quy mô công suất nhỏ (hộ gia đình); sản xuất thép; sản xuất giấy từ nguyên liệu tái chế; sản xuất vải, sợi dệt may; nhiệt điện than; tái chế, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường; tái chế, xử lý chất thải nguy hại...
Theo quy hoạch, TP.HCM có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và một khu công nghệ cao. Các khu chế xuất, khu công nghiệp có thực hiện việc bố trí diện tích đất cây xanh. Hiện nay 17 khu này đang hoạt động, diện tích đất cho thuê đạt 1.964 /2.539.06 ha đất công nghiệp, đạt tỉ lệ lấp đầy 77%. Hiện 17 khu này có 1.485 dự án đang hoạt động, trong đó có các ngành nghề chủ yếu như điện - điện tử, cơ khí, chế biến thực phẩm, thủy hải sản, thuộc da, dệt, nhuộm vải, may mặc, dược phẩm, mỹ phẩm, y tế...