Tự kiểm thì ai tin?
Tại hội thảo về phòng tránh rủi ro và giải quyết tranh chấp trong mua bán quốc tế sáng 6-10 do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP cùng VIAC tổ chức, các chuyên gia đã khuyến cáo nhiều vấn đề với doanh nghiệp (DN).
TS Minh Hằng cho rằng rất nhiều DN nhầm lẫn về việc giao hàng chậm. Ví dụ, trong vụ các công ty Việt Nam làm hàng gỗ cho Công ty Global Home, có thể các bên có thỏa thuận phạt khi giao hàng chậm. Bên làm hàng thông báo chậm giao hàng, được bên mua chấp nhận. Có thể hiểu việc chấp nhận này là vẫn nhận hàng, thay vì chậm là bỏ luôn.
Tuy nhiên, cho giao chậm không có nghĩa là không phạt vì chậm. Nếu DN muốn không bị phạt thì phải nói rõ và dùng từ “gia hạn hợp đồng” chứ không đơn thuần là xin chậm giao hàng. Khi gia hạn hợp đồng thì các thời hạn được dời sang ngày khác mà không ảnh hưởng quyền lợi, nghĩa vụ của các bên và không bị phạt, bà Hằng lưu ý.
Bà cũng lưu ý DN cần thỏa thuận rõ thời hạn giao hàng, nếu giao hàng chậm và chậm ở mức độ nào thì được giao hàng, chậm đến mức độ nào thì bên mua có quyền không nhận hàng nữa.
Thậm chí không muốn nhận hàng kém chất lượng thì cũng phải nói rõ trong hợp đồng. Ví dụ, có trường hợp nhập thiết bị làm lạnh máy điều hòa, nếu không đạt 80% công suất làm lạnh thì bên mua được quyền hủy hợp đồng. Nếu bên mua không nói rõ thì dù hàng không đạt chuẩn cũng không dễ dàng từ chối mua hàng.
Mời giám định phải thận trọng
Bà Hằng cho biết đã có vụ tranh chấp về mua bán đậu phộng. DN Việt xuất bảy container đậu phộng sang Nga. Bên Nga khiếu nại hàng không đạt chất lượng nhưng đã thua.
Bởi lẽ khi nhận hàng, DN Nga không thực hiện đúng quy trình giám định, không đưa đi giám định ngay mà đợi một tháng sau khi nhận hàng mới giám định. Ngoài ra, công ty Nga chỉ giám định hai trong số bảy container hàng, còn năm container kia đã chuyển đi cảng khác.
Cũng có vụ việc DN Việt nhập khẩu 30 container gỗ bạch dương. Khi hải quan kiểm tra, xác định không đúng chủng loại gỗ. DN lại không thuê kiểm định ngay mà lại bốc hàng mang về kho, có lẽ để giảm chi phí lưu hàng tại cảng. Sau đó DN đơn phương mời giám định.
Trong trường hợp này, hàng đã không còn nguyên trạng (đã mở container, rời khỏi cảng...) và các công ty giám định không thể cấp giấy cho hàng không còn nguyên đai kẹp chì. Thế là giấy giám định không còn giá trị.
Bà Hằng lưu ý DN về quy trình giám định. Có trường hợp mua 10 container, bên vận chuyển đưa về đủ 10 container. Nhưng khi mở container ra, phát hiện hàng đóng thiếu. DN phải làm gì? Phải tìm một cơ quan độc lập chuyên nghiệp đến làm giấy chứng nhận về trọng lượng hàng.
“Nếu một mình mình kiểm đếm, dù có lập biên bản thì cũng chả ai tin” - bà Hằng cảnh báo.
Thậm chí một khi đã dỡ hàng ra khỏi container dù còn để trong cảng thì cũng không xác định được hàng này từng là hàng của lô hàng nào, do công ty nào bán, công ty nào giao. Do đó, DN hết sức chú ý phải giám định khi hàng còn trong bao kiện nguyên lành.
Phải thiện chí và hạn chế tổn thất cho nhau
Một số chuyên gia khuyến cáo, DN chúng ta thấy hàng không đạt chất lượng, dù muốn nhận hàng hay hủy hàng, trả hàng thì phải áp dụng biện pháp hạn chế tổn thất. Ví dụ thấy lô hàng có bao ướt, có bao khô thì phải hạn chế tổn thất bằng cách phân loại bao, hạn chế ẩm ướt lây lan.
Đã có vụ nhập 700 bao hạt điều chưa bóc vỏ từ Singapore, trong lô hàng có bao có hạt muốn mọc mầm, nên nhà nhập khẩu Việt Nam muốn hủy toàn bộ số bao này. Trọng tài tuyên do DN Việt khi nhận hàng đã bỏ mặc lô hàng mà không hề tìm cách hạn chế tổn thất. Trong 700 bao hạt điều vẫn có bao sử dụng được, có bao hư, đâu phải là đã hỏng hết rồi. Như vậy chỉ được đòi 50% mà thôi.
Bên cạnh đó, DN xuất nhập khẩu cần chú trọng điều khoản giá cả, không quy định một mức giá cố định mà cần đưa vào hợp đồng điều khoản giá linh hoạt có thể điều chỉnh, nhất là với nông sản, áp dụng cho hợp đồng lớn, thực hiện trong thời gian dài dễ có biến động giá.
DN cần thiện chí điều chỉnh giá cho phù hợp giá cả thị trường. Khi biến động giá, có lợi cho ta, ta cứ khư khư giữ lợi thế mà người ta không có lợi nhuận thì người ta tìm cách phá hợp đồng! Lúc đó thiệt hại sẽ do hai bên cùng chịu thiệt hại.