Ảnh minh họa: internet
Màu đỏ: chấn thương, bệnh thận - tiết niệu
Ở người sức khỏe bình thường, trong nước tiểu không bao giờ có máu. Nước tiểu có màu đỏ có thể do tiểu ra máu hoặc do chất chuyển hóa có màu đỏ được thận đào thải.
Khi bị chấn thương thận hoặc vi khuẩn thâm nhập đường tiết niệu; mắc các bệnh lý như sỏi thận - đường tiết niệu, viêm bọng đái, thận đa nang; ung thư thận, ung thư bọng đái, ung thư tiền liệt tuyến… sẽ làm tổn thương niêm mạc niệu đạo, bàng quang, niệu quản, đài bể thận, cầu thận… từ đó dẫn đến màng lọc cầu thận bị hư hỏng, suy yếu và mất đi chức năng của nó khiến hồng cầu thoát ra cùng nước tiểu, gây tiểu máu.
Ngoài ra, việc sử dụng quá liều một số loại thuốc như heparin, kháng vitamin K, thuốc chống kết tập tiểu cầu (aspirin)... có thể gây tiểu máu. Sử dụng một số thuốc chống ung thư cũng có thể làm xuất huyết bàng quang gây tiểu máu.
Một số thuốc điều trị lao như rifamycine cũng có thể làm cho nước tiểu có màu đỏ. Màu đỏ này không phải máu mà là màu của thuốc. Khi ngừng sử dụng các thuốc này, triệu chứng sẽ hết. Tương tự, khi ăn những thực phẩm có màu đỏ, hồng hoặc những thứ có phẩm màu nhân tạo, hóa học cũng có thể làm nước tiểu có màu đỏ hồng.
Khi thấy cơ thể bỗng dưng mệt mỏi, gầy sút, ăn uống kém, đau tức vùng hạ vị, đi tiểu buốt; hoặc sau khi đã loại trừ các nguyên nhân có thể gây tiểu máu như thuốc uống, thức ăn mà nước tiểu vẫn có màu đỏ… thì cần đi khám ngay. Bởi, tùy vào lượng hồng cầu thoát ra nhiều hay ít mà có thể nhìn thấy bằng mắt thường hoặc phải quan sát dưới kính hiển vi mới xác định được. Rất nhiều trường hợp không phát hiện mình bị bệnh do lơ là các triệu chứng đi kèm, khi thấy tiểu ra máu thì bệnh đã chuyển biến nặng. “Tuyệt đối không nên tự điều trị bằng cách uống kháng sinh, thuốc cầm máu hoặc uống thuốc Bắc, thuốc Nam chưa rõ nguồn gốc vì kéo dài thời gian mắc bệnh hoặc làm bệnh càng thêm nặng” - TS Nguyễn Bách lưu ý thêm.
Màu vàng sậm: bệnh lý gan mật
Nước tiểu có màu vàng tự nhiên là do sự bài tiết một chất ở trong máu gọi là urochrome. Nếu cơ thể đủ nước thì nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc gần như trắng, còn khi cơ thể thiếu nước sẽ có màu cam hay vàng sậm.
Nếu sau khi đã uống nước đầy đủ (2,5 lít/ngày), thay đổi chế độ ăn mà nước tiểu vẫn có màu vàng sậm, có thể là do sự xuất hiện của sắc tố mật trong nước tiểu. Lúc này bệnh nhân có thể mắc một số bệnh lý gan mật như viêm gan do vi rút, vàng da tắc mật, ung thư gan, nhiễm trùng đường mật... Nếu nước tiểu vàng sậm cùng các triệu chứng đi tiểu nhiều lần, nóng rát, ngứa buốt… thì có thể là do bệnh viêm niệu đạo.
Đục, có cặn: nhiễm trùng tiết niệu, viêm niệu đạo
Khẩu phần ăn có nhiều thịt, gia vị, dầu mỡ; uống bia rượu, nước cam, sữa, ăn măng tây… sẽ làm nước tiểu bị đục, để lâu có lắng cặn. Nếu đã loại trừ các nguyên nhân này mà nước tiểu vẫn đục, có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm niệu đạo, tiểu dưỡng chấp, tiểu phốt phát hoặc do dùng thuốc trị đái tháo đường, các loại thuốc có chứa phốt pho.
Nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn hoặc vi rút từ vùng âm hộ và hậu môn xâm nhập, gây tổn thương đường tiết niệu, làm nước tiểu chuyển màu đục. Bên cạnh còn có các triệu chứng như tiểu buốt, gắt, đi lắt nhắt nhiều lần. Viêm niệu đạo có thể do vi khuẩn lậu, Chlamydia, E.coli, tụ cầu da, tụ cầu hoại sinh… xâm nhập. Ngoài nước tiểu đục, người bệnh sẽ tiểu khó, rát, buốt. Nếu tiểu vào buổi sáng, trong nước tiểu còn có mủ.
Màu nâu, màu cam, màu xanh: đi khám ngay
Có thể ảnh hưởng từ thức ăn có phẩm màu hóa học hoặc do từ các loại thuốc đang uống. Nhưng nếu hiện tượng này thường xuyên xuất hiện, cần đi khám để tìm hiểu nguyên nhân.
TS Nguyễn Bách khuyến cáo: sau khi đi tiểu xong nên tạo thói quen quan sát màu sắc nước tiểu. Khi nước tiểu có bất thường cần đi đến phòng xét nghiệm để thử nước tiểu ngay. Cũng nên xét nghiệm nước tiểu kiểm tra định kỳ hằng năm, vì nó giúp nhận biết được các bệnh lý thận niệu từ giai đoạn rất sớm.
Theo Thanh Hoa (PNO)