Đừng chủ quan khi trẻ nhiễm COVID-19

Khoa COVID-19 Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 đang điều trị cho gần 100 trẻ mắc COVID-19, gấp bốn lần so với thời điểm giữa tháng 10. Mỗi ngày, BV sàng lọc, phát hiện khoảng 20-30 trẻ dương tính và hướng dẫn cho về điều trị tại nhà.

 Trẻ em được thăm khám, sàng lọc COVID-19 ở BV Nhi đồng 2.
Ảnh: HOÀNG LAN

10% bệnh nhi nằm viện chuyển nặng

Trong các trẻ nhập viện, ngoài trẻ có bệnh nền trở nặng (tỉ lệ 10%) thì cũng có trường hợp chuyển nặng do không được thăm khám kịp thời. Các bác sĩ (BS) cảnh báo phụ huynh không nên nghĩ trẻ mắc COVID-19 sẽ nhẹ mà cần theo dõi sát các dấu hiệu bệnh của con. Ngoài những trẻ có bệnh lý nền như béo phì, hen phế quản, sinh non nhẹ cân, đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh lý ác tính... chuyển nặng thì cũng có những trẻ chuyển nặng do nhập viện trễ, dù không bệnh nền nhưng đã tử vong.

ThS-BS Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi đồng 2, lưu ý trẻ mắc COVID-19 có thể được điều trị tại nhà. Nếu có dấu hiệu chuyển nặng phải đưa trẻ đi khám kịp thời. “Ở nhũ nhi, dấu hiệu trở nặng là khi thấy trẻ quấy khóc, sốt cao liên tục, bỏ bú, thở rút lõm lồng ngực, nôn ói, tiêu chảy nhiều lần, tím tái. Ở trẻ lớn hơn, ngoài theo dõi tần suất thở, có thể đo SpO2, quan sát sinh hoạt thường ngày, nếu trẻ bỏ ăn, than mệt, đau nhức cần đưa đến cơ sở y tế khám” - BS Thu lưu ý.

Bên cạnh đó, trẻ nhiễm COVID-19 có dấu hiệu nhẹ nhưng có bệnh nền phụ huynh cũng nên đưa đi khám sớm. Điển hình, trong tháng 11-2021, BV tiếp nhận hai bệnh nhi là bé trai chín tuổi và bé gái 14 tuổi bị thừa cân được đưa đến trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, phải can thiệp ECMO (tim, phổi nhân tạo). Người nhà của bé gái chia sẻ: “Tôi nghĩ bé cũng chỉ bị vài ngày là hết nên chủ quan, chiều hôm đó bé vẫn ăn ngủ được, đến tầm 1-2 giờ sáng thì đột ngột trở nặng, tôi tưởng đã sắp mất con rồi”.

BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP, cho biết trung bình mỗi ngày BV tầm soát, phát hiện khoảng 5-15 trẻ mắc COVID-19, đa phần được cho điều trị tại nhà. Hiện đơn vị điều trị COVID-19 có khoảng 100 trẻ điều trị, nhóm trở nặng vẫn là có bệnh nền, sinh non nhẹ cân, chậm phát triển, khả năng vận động tống đàm nhớt, ho khạc yếu. Vừa qua BV cũng nỗ lực cứu chữa cho bé sinh non nặng 2,6 kg bị suy hô hấp phải thở máy rất nặng.

Ở trẻ lớn, bệnh có thể đột ngột trở nặng nhưng không có biểu hiện bất thường trước đó. “Virus SARS-CoV-2 tấn công trung khu thần kinh điều khiển hô hấp, tuần hoàn nên trẻ khó nhận biết dấu hiệu thiếu ôxy, vẫn tỉnh bơ. Chỉ khi thiếu ôxy quá nhiều, trẻ mới mệt” - BS Tiến lưu ý phụ huynh cần thường xuyên đo SpO2 cho trẻ, đồng thời cho rằng số ca mắc mới phát hiện chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” vì việc xét nghiệm chỉ tập trung những ca có triệu chứng hoặc cần nằm viện hoặc phẫu thuật. BS Tiến lo ngại số mắc tăng thì tỉ lệ ca nặng cũng sẽ tăng theo.

 

38

trẻ em ở TP mắc COVID-19 tử vong (theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM đến giữa tháng 11-2021). Trong đợt dịch thứ tư bắt đầu từ ngày 27-4 đến 1-12, TP.HCM đã có tổng cộng 468.716 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có tỉ lệ 5,1% trẻ dưới 18 tuổi mắc COVID-19.

Viêm đa hệ thống sau khi mắc COVID-19

Vấn đề đáng lưu ý là dù đã khỏi COVID-19 nhưng trẻ vẫn có thể bị hội chứng hậu COVID-19 và trở nặng sau 2-6 tuần mắc bệnh.

Vừa qua, BV tiếp nhận hai bệnh nhi bốn và tám tuổi ở TP.HCM được đưa đến trong tình trạng sốc, da nổi hồng ban, mắt đỏ giống viêm kết mạc. Trong đó, một bé từng mắc COVID-19 nhưng triệu chứng nhẹ. Bé kia chưa ghi nhận mắc bệnh nhưng có người nhà là F0, song kết quả tìm kháng thể cho thấy bé từng mắc COVID-19. Các BS kết luận hai bé bị viêm đa hệ thống, triệu chứng hậu COVID-19 đặc trưng chỉ thấy ở trẻ em. Sau khi hồi sức, may mắn các bé đã qua nguy kịch.

BS Tiến lưu ý: Trẻ sau khi khỏi bệnh vẫn có thể có những triệu chứng như mệt mỏi, đi lại khó khăn, lâu lâu ho, hụt hơi, khạc ra nhiều đàm nhớt, hồi hộp, đánh trống ngực, đau khớp, buồn ngủ ban ngày nhưng đêm lại thức, không ghi nhớ và hiểu được bài giảng. Theo nghiên cứu ở các nước, tỉ lệ trẻ mắc COVID-19 đã khỏi nhưng vẫn bị triệu chứng hậu COVID-19 chiếm 6%-15%. Trẻ cũng có thể bị rối loạn tâm thần do thời gian cách ly khi mắc bệnh. Những trẻ này cần được hỗ trợ tâm lý, vật lý trị liệu, hô hấp, vận động để hồi phục.

Các nghiên cứu cũng cho thấy trẻ từ 13 tuổi trở lên dễ mắc các triệu chứng hậu COVID-19 hơn, đặc biệt là các trẻ được điều trị hồi sức trước đó. Các nghiên cứu gần đây cho thấy virus có thể tấn công lên não, hệ thống nội mạc mạch máu não, gây ra tình trạng tăng đông, huyết khối dẫn tới giảm tưới máu cho các vùng vỏ não phụ trách trí nhớ, hành vi, chữ viết… dẫn đến rối loạn và tác động sâu đến trẻ. Sau nhiễm COVID-19, một số trẻ có biểu hiện phản ứng viêm mạnh. Chính vì vậy, nhiều trẻ không có triệu chứng trong lúc bị bệnh nhưng sau 2-6 tuần lại bị sốt cao, tiêu chảy, đau bụng, đỏ da, lưỡi đỏ; các ngón tay chân sưng nhẹ, hồng ban, tim đập nhanh, mạch vành có thể giãn, còn gọi là hội chứng viêm đa hệ thống.

“Các biểu hiện hậu COVID-19 có thể xảy ra và dài đến 120 ngày nên sau khi hết bệnh, gia đình cần theo dõi trẻ thêm ít nhất ba tháng nữa. Phụ huynh có con mắc COVID-19 đã khỏi bệnh, có thể liên hệ đến các BV có chuyên khoa nhi để được tư vấn thêm về tình trạng sức khỏe của bé giai đoạn hậu COVID-19” - BS Tiến lưu ý.•

 

Vì sao trẻ test nhanh âm tính nhưng test PCR dương tính?

Có tình trạng trẻ có test nhanh âm tính nhưng test PCR cho kết quả dương tính. Trẻ em ở giai đoạn ủ bệnh có thể có những biểu hiện khác nhau ở đường hô hấp, tiêu hóa nên dễ nhầm lẫn với bệnh khác và có tải lượng virus chưa đủ để làm test nhanh dương tính. Do đó, nếu gia đình có thành viên là F0 thì nên bình tĩnh theo dõi sát, chăm sóc trẻ như trẻ ốm, cho test nhanh lại hoặc làm xét nghiệm PCR sau 1-2 ngày để khẳng định.

ThS-BS HUỲNH MINH THU, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi đồng 2

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm