Đừng đẩy người phụ nữ sau sinh đến đường cùng

Nguyễn Thị Hoài An (27 tuổi, ở TP.HCM) bị thiếu máu não hồng cầu bẩm sinh, hằng tháng phải vào bệnh viện truyền máu. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi kết hôn, cuộc sống của An trở nên bế tắc hơn. Không tiền chữa bệnh, không tiền mua sữa cho con, vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn. Lúc bị chồng dọa sẽ ly hôn, An nghĩ chỉ có cách giết con thì hai mẹ con mới mãi được ở bên nhau. Giết con xong, An tự tử không thành....

Hối hận nhận mình sai

An bị tòa sơ thẩm tuyên phạt chín năm tù về tội giết người. Nhận mức án tòa tuyên, bị cáo hối hận rồi cứ tự trách mình. Luật sư Đỗ Hải Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM, là người bào chữa cho bị cáo. Anh cho biết ở trong trại giam, lúc nào An cũng nghĩ đến con, nhớ về con. Nhìn chiếc gối ôm, An nghĩ rằng đó là con mình nên cứ ôm ấp, vỗ về và cưng nựng.

Hôm gặp luật sư trong trại giam, An khóc rất nhiều. Đưa bàn tay cho luật sư xem, An nói: “Đôi tay này ác lắm, vì nó mà con tôi chết. Con tôi đâu có tội gì chứ. Sao nó ác vậy. Nó có phải là người không. Con ơi! Mẹ xin lỗi con, ngàn lần mẹ xin lỗi con’’. Rồi An xin luật sư cho mình được chết đi để được gặp con, được ở bên con, chăm sóc cho con. Luật sư Bình chỉ biết ngồi yên lặng lắng nghe An chia sẻ nỗi niềm.

“Lúc đầu nhận vụ án, dù là luật sư bào chữa cho thân chủ nhưng tôi giận An lắm. Tại sao một người mẹ lại có thể giết con mình chứ. Đứa nhỏ chỉ mới một tuổi, yêu thương, cưng nựng không hết cớ sao lại hủy hoại mạng sống của nó. Nhưng sau khi gặp An trong trại giam, tôi chỉ nghĩ đến việc phải làm sao để bị cáo được hưởng mức án thấp nhất” - luật sư Bình nói.

Cả An và chồng đều rất hối hận khi vụ việc xảy ra. Ảnh: NT

Chồng xin giảm án cho vợ

An không xin giảm án nhưng anh PNT - chồng của An - tha thiết xin tòa giảm án cho vợ mình. Anh nói: “Thời gian qua, nghĩ về con, nghĩ về cô ấy tôi thấy mình thật tệ. Cô ấy giết con cũng là lỗi do tôi. Những dày vò từ khi con gái tôi chết đến hôm nay đối với cô ấy là quá đủ rồi. Từ nay, tôi chỉ muốn được thấy cô ấy vui hơn. Xin tòa hãy giảm án cho cô ấy’’. Nghe chồng nói, nước mắt An rưng rưng. Quay xuống nhìn chồng, An nói nghẹn: “Em xin lỗi chồng. Ngàn lần xin lỗi chồng…”.

Luật sư Nguyễn Thị Mơ, Đoàn Luật sư TP.HCM, sau khi đưa ra những tình tiết bảo vệ cho người bị hại, giọng chị chùng xuống: “Tôi là luật sư của bị hại, đáng lẽ phải đưa ra những tình tiết để bảo vệ quyền lợi cho đương sự của mình nhưng có cái gì đó cứ ngăn tôi lại. Bị cáo sinh ra trong hoàn cảnh nghèo, bị bệnh từ nhỏ, tháng nào cũng phải vào bệnh viện truyền máu. Bác sĩ khuyên bị cáo không nên có con. Bị cáo rất yêu con trẻ nên vẫn quyết tâm có con. Biết tin mình có thai, bị cáo đã rất hạnh phúc.

Tôi cũng là một người mẹ, sinh được một đứa con là một món quà rất tuyệt vời. Người phụ nữ bình thường nuôi con, nhất là con thơ là cả một vấn đề. Đằng này bị cáo bị bệnh, có hoàn cảnh rất khó khăn... Chẳng người mẹ nào muốn giết con mình cả. Tôi xin tòa và xã hội hãy tha thứ và dang rộng vòng tay với bị cáo”.

Mức án mà tòa sơ thẩm tuyên là đã xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ và khoan hồng cho bị cáo rất nhiều. Theo vị thẩm phán của TAND Cấp cao tại TP.HCM, hành vi của bị cáo rất nguy hiểm, dù hoàn cảnh bị cáo rất đặc biệt nhưng tòa không thể giảm án được nữa. Trong trại giam bị cáo hãy gắng cải tạo tốt để sớm về đoàn tụ gia đình và chữa bệnh.

Nhiều vụ giết con vì trầm cảm sau sinh

Theo thống kê của Trung tâm Giám định tâm thần TP.HCM có tới 70% phụ nữ sau khi sinh nở bị chứng trầm cảm. Tuy nhiên, nhiều người vượt qua được, chỉ có biểu hiện buồn thoáng qua. Trong đó, có một số người bị trầm cảm, lo lắng, buồn rầu, hay cáu gắt, có hành vi kỳ quặc với con. Bệnh lý này hay xuất hiện ở phụ nữ trong thời gian mang thai và sau sinh (do cơ thể, trạng thái tâm thần, sinh lý có nhiều thay đổi).

Khi mắc bệnh này, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người mẹ có nguy cơ giết chết con hoặc tự tử rất cao. Đối với những trường hợp có tiền sử trầm cảm sau sinh thì 50% nguy cơ bị tái phát bệnh ở lần sinh kế tiếp.

Đã có rất nhiều vụ mẹ giết con vì bị trầm cảm sau sinh như chị Chu Thị Huệ (ở Ba Vì, Hà Nội), dù các bác sĩ đã phát hiện Huệ bị bệnh trầm cảm sau sinh và yêu cầu chữa trị nhưng gia đình xin cho về. Sau đó, Huệ giết con trai mới sinh.

Chị Nguyễn Thị Thúy (ở Châu Thành, Hậu Giang) đã treo cổ hai con trẻ vì nghi ngờ chồng ngoại tình với người phụ nữ khác. Các bác sĩ khẳng định Thúy bị bệnh trầm cảm sau sinh.

Chị Vũ Thị Gái (ở Chương Mỹ, Hà Nội)  muốn nghỉ ngơi sau sinh nhưng hay bị mẹ chồng càm ràm khi chẳng thấy con dâu làm việc nhà dẫn đến trầm cảm rồi giết con.

_________________________________________

Chị Trần Thị Tâm Nhàn, chuyên viên tư vấn tâm lý tại Công ty Hồn Việt, cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng trầm cảm sau sinh như kinh tế gia đình khó khăn, chồng ngoại tình, hắt hủi, bị stress vì phải chăm con, cảm thấy tự ti hay bị mẹ chồng càm ràm...

Với những người mắc bệnh, họ chỉ có một suy nghĩ rằng mình sống khổ cực rồi thì phải cho con một cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn và vui hơn ở “thế giới bên kia’’. Có suy nghĩ như vậy, nhiều người đã không vượt qua được chứng trầm cảm mà đi đến giết con. Vì thế, khi phát hiện mình bị chứng trầm cảm sau sinh, phụ nữ cần chủ động đi chữa trị. Người chồng cần phải quan tâm, thương yêu vợ nhiều hơn. Đừng có những hành động thiếu suy nghĩ rồi đẩy người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh đến đường cùng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm