Theo một nghiên cứu của Trung tâm Vì sức khỏe và sinh học giới tính dành cho phụ nữ Connors (Mỹ) và BV Phụ nữ ở Boston (Mỹ) công bố trên báo Live Science, lý do ở phụ nữ có hàng loạt yếu tố thuận lợi cho trầm cảm kéo tới như sinh học, hormon, gien di truyền, tâm lý và các yếu tố xã hội.
Nguy cơ trầm cảm từ gien di truyền tác động đến cả hai phái, tuy nhiên ở phụ nữ nguy cơ này một khi kết hợp với các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống sẽ có sức tàn phá tinh thần nghiêm trọng hơn so với nam giới. Hậu quả này sẽ đặc biệt nghiêm trọng nếu các sự kiện căng thẳng đó là lạm dụng tình dục, bị bạo lực xảy ra từ thời thơ ấu.
Từ khi còn là bào thai, khác biệt giới tính đã xuất hiện trong não của nam và nữ, một số vùng trong não hai phái phát triển khác nhau. Từ lúc này hormon và gien đã đặt nền tảng cho sự nhạy cảm, dễ tổn thương và nguy cơ dẫn đến trầm cảm.
Trước tuổi dậy thì, rủi ro trầm cảm của hai phái ngang nhau. Nhưng sau dậy thì và bước vào lứa tuổi vị thành niên, khác biệt giới tính trở nên mạnh mẽ hơn và lúc này rủi ro trầm cảm của nữ cao gần gấp đôi so với nam. Đặc biệt nguy hiểm nếu nữ vị thành niên phải sống trong một môi trường gia đình căng thẳng, không hạnh phúc và bình yên. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo các bà mẹ phải đặc biệt chú ý đến con gái mình giai đoạn này.
Mang thai được các nhà nghiên cứu xem là chất xúc tác dẫn đến một đợt trầm cảm lớn ở phụ nữ. Nguyên nhân chính ở đây là sự thay đổi thất thường của hormon trong và sau quá trình mang thai. Nghiêm trọng hơn nếu là mang thai ngoài ý muốn. Thay đổi hormon sau sinh và gánh nặng chăm sóc con thông thường sẽ dẫn tới chứng trầm cảm sau sinh nhiều mức độ và thời gian dài ngắn khác nhau ở các phụ nữ.
Sự suy giảm hormon sinh sản trong giai đoạn tiền mãn kinh mang lại những thay đổi về thể chất và tâm lý, tác động đến tâm trạng phụ nữ dễ dẫn tới trầm cảm. Những thay đổi này có thể bao gồm bốc hỏa, chảy máu ở bộ phận sinh dục, kinh nguyệt thất thường, mất ngủ.
Môi trường xã hội, vai trò phụ nữ trong gia đình, xã hội cũng quyết định nguy cơ trầm cảm của phụ nữ. Một phụ nữ luôn phải gồng gánh áp lực để vừa tròn vai trò mẹ, vợ trong gia đình vừa đảm bảo công việc ngoài xã hội sẽ phải chịu rất nhiều căng thẳng và có thể dẫn tới trầm cảm. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ thường ưu tiên chăm lo cho cảm xúc của người khác mà vô thức đè nén cảm xúc của chính mình để rồi chết chìm trong đó, tạo điều kiện cho trầm cảm tấn công.
Nghiên cứu khuyến cáo trong mọi thời điểm, phụ nữ cần chú ý lắng nghe cơ thể mình và quan sát các thay đổi trong tâm trạng, sự tập trung, năng lượng, các thói quen ngủ, ăn để kịp thời có biện pháp can thiệp, ngăn chặn trầm cảm. Điều này đặc biệt cần thiết với người đã từng trải qua một đợt trầm cảm trước đó.