Nhiều bằng chứng cho thấy Andreas Lubitz bị trầm cảm... Trầm cảm là trạng thái buồn rầu kéo dài, khác với “buồn thông thường” là chỉ thời gian ngắn rồi hết.
Qua các cuộc khảo sát của ngành tâm thần thì tỉ lệ người bị trầm cảm hằng năm ở nước ta chiếm 2-5% dân số. Theo bảng phân loại bệnh quốc tế (ICD 10), trầm cảm có ba dấu hiệu chính và 12 dấu hiệu phụ. Các dấu hiệu chính đó là: khí sắc trầm: vẻ mặt u tối, buồn rầu, ủ rũ, mất sự quan tâm thích thú, mất thú vui, không tham gia sinh hoạt, giải trí..., giảm năng lượng, giảm hoạt động, chậm chạp, ngồi lì một chỗ.
Bên cạnh đó người bệnh còn có những dấu hiệu phụ như giảm chú ý, ý nghĩ tự ti, tự buộc tội và cảm thấy không xứng đáng; chán nản, nhìn tương lai ảm đạm, cảm thấy chán đời, muốn chết, ý tưởng và hành vi tự sát; khó ngủ, hay thức giấc, mê sảng, có người lại ngủ nhiều mê mệt, ăn không ngon miệng, chán ăn, hay đau nhức cơ thể; dục năng giảm, không thích quan hệ tình dục.
Người bị trầm cảm có các mức độ nhẹ, vừa và nặng nhưng ở mức độ nhẹ và vừa thường khó phát hiện. Họ có khí sắc buồn, giảm quan tâm thích thú, giảm hoạt động, có kèm hoặc không có các rối loạn lo âu, rối loạn cơ thể, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, mất ngủ, tự ti... Còn trầm cảm đã có hoang tưởng bị tội, bị hại, chán đời muốn chết, ý nghĩ hoặc hành vi hủy hoại bản thân, người xung quanh... là trầm cảm nặng.
Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, sinh mạng người bệnh mà còn ảnh hưởng gia đình người bệnh, thậm chí cả xã hội. Chính vì vậy họ cần được quan tâm và chăm sóc chu đáo. Chúng ta nên khuyến khích họ gần gũi, tiếp xúc với mọi người, tiếp tục công việc, trừ khi người bệnh nặng phải đi điều trị.
Nếu người bệnh bị trầm cảm nặng: có ý tưởng, hành vi tự sát thì nên hạn chế hoặc không cho họ làm những việc ảnh hưởng đến sinh mạng người khác như lái máy tàu, xe, máy bay... hoặc những việc căng thẳng vì dễ gây stress làm bùng phát, bệnh nặng lên.
Không nên để người trầm cảm làm việc một mình (các hãng hàng không đã đồng loạt nhắc lại quy định: lúc nào trong buồng lái cũng phải có hai người). Khi đó, người xung quanh không nên nói nhiều về tự sát vì có thể lan truyền, bắt chước.
Người đã mắc bệnh trầm cảm cần có chuyên gia tâm lý trị liệu, nói chuyện tư vấn hoặc phải được điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Chúng ta rất khó phân biệt được ai bị trầm cảm, trừ khi gần gũi, tâm sự trong thời gian dài. Ngay chính người bệnh cũng khó nhận biết vì không có tổn thương bên ngoài hoặc tổn thương não được phát hiện bằng thăm khám lâm sàng và xét nghiệm. Nhiều người cho rằng đó là vấn đề tư tưởng, mất ý chí phấn đấu. Các dấu hiệu chỉ là cảm nhận bên trong của người bệnh thông qua sắc thái và hành vi. Chưa kể nhiều khi bệnh tiến triển không liên tụcmà xuất hiện từng đợt. Bác sĩ LƯƠNG HỮU THÔNG (nguyên phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 2) Theo TTO |