Dự án khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa đã “ngủ quên” gần 30 năm trong sự chờ đợi mòn mỏi của người dân địa phương. Gần đây, để giải quyết quyền lợi cho người dân, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị UBND TP cho phép cấp giấy phép xây dựng tạm và cho tách thửa tại đây (xem Pháp Luật TP.HCM ngày 20-10, bài “Kiến nghị cho tách thửa để dân Thanh Đa bớt khổ”).
Thông tin trên khiến dự án dường như “trở mình” thức dậy trong sự hy vọng xen lẫn lo ngại của người dân và các chuyên gia.
Ông NGUYỄN ĐỨC TIẾN, ngụ 434/34/7 tổ 14, phường 28, Bình Thạnh:
Hạn chế xáo trộn cuộc sống của người dân
Nếu chính quyền TP.HCM xem xét cho người dân được tách thửa và cấp phép xây dựng có thời hạn thì đó là niềm vui rất lớn đối với chúng tôi.
Nếu được xây dựng mới, khi Nhà nước thực hiện dự án, tôi tin đa số người dân sẽ đồng ý chỉ nhận bồi thường theo hiện trạng nhà ban đầu chứ không đòi bồi thường nhà sau khi sửa chữa hoặc xây mới.
Tuy nhiên, nếu dự án đi vào hoạt động, tôi mong muốn chính quyền địa phương cố gắng hạn chế làm xáo trộn cuộc sống của người dân.
Nên bố trí tái định cư tại một khu vực lân cận vì hiện tại đa số người dân có công việc gần nhà.
PGS-TS NGUYỄN MINH HÒA, Ủy viên Hội đồng QH-KT TP.HCM:
Không nên tham vọng tìm một nhà đầu tư
Gọi Thanh Đa là đất vàng hay đất kim cương đều đúng, bởi đây là vị trí vô cùng đắc địa. Tuy nhiên, dù là vàng hay kim cương nếu không được đưa vào sử dụng thì cũng vô giá trị.
Cho đến giờ vẫn chưa tìm được nhà đầu tư thật sự muốn sớm thực hiện dự án. Lý do chính là việc đầu tư vào khu vực Thanh Đa khá rủi ro vì mặt bằng ở đây khá thấp và trũng. Nếu đầu tư, doanh nghiệp phải bỏ ra rất nhiều tiền như: Bỏ đất làm móng, xây cầu nối từ Phạm Văn Đồng qua bán đảo Thanh Đa rồi từ Thanh Đa qua xa lộ Hà Nội, hay giải tỏa bồi thường đất cho người dân...
Vì vậy không nên tham vọng tìm một nhà đầu tư cho dự án này. Điều cần làm bây giờ là nên quy hoạch khu Bình Quới-Thanh Đa theo các khu chức năng khác nhau như khu vực nào nhà đầu tư thấy phát triển được thì phát triển, còn lại thì để cho người dân xây dựng và sinh hoạt. Đối với phần đất còn lại của dân, nếu sau này có nhà đầu tư tiềm năng muốn phát triển dự án thì mua lại và bồi thường thỏa đáng cho dân.
Phải xem xét tình hình thực tế và quyền lợi của người dân để giải quyết vấn đề cho họ. Chứ để dự án treo mấy chục năm như thế là chưa sòng phẳng với dân. Còn việc cấp phép xây dựng có thời hạn là không nên. Vì người dân xây dựng rồi sau đó chính quyền đập đi thì không hay chút nào.
Ông Nguyễn Văn Hương, tổ trưởng tổ 14, phường 28, quận Bình Thạnh: “Mong sớm tìm được nhà đầu tư cho khu vực Thanh Đa vì như thế đô thị mới mỹ quan được”. Ảnh: THU HÀ
KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN, chuyên gia quy hoạch đô thị:
Cần có sự hợp tác công-tư
Tôi cho rằng cần có sự hợp tác công-tư để dự án Bình Quới-Thanh Đa sớm thức giấc. Và có thể cần tới sự hợp tác của nhiều nhà đầu tư chứ không chỉ một nhà đầu tư. Tôi đã xem nhiều phương án đề xuất, tuy nhiên tính khả thi của các phương án này không cao. Dường như người ta chỉ vẽ ra chứ không căn cứ vào thực trạng để làm đề xuất.
Để dự án sớm đi vào hiện thực cần đáp ứng nhiều vấn đề. Thứ nhất là hạ tầng kết cấu (thiết kế, khả năng đầu tư), thứ hai là lượng dân đang sinh sống ở đây khá đông, khả năng xóa trắng để làm dự án sẽ không cao. Do đó, chính quyền cần phân ra khu nào chỉnh trang và khu nào làm khu đô thị mới để thu hút nhà đầu tư.
Hầu như các phương án được các chủ đầu tư trước đây đề ra đều chưa đáp ứng được những vấn đề trên nên tình trạng treo đã diễn ra chừng ấy năm trời chưa giải quyết được. Tôi cho rằng nếu TP quyết tâm thực hiện dự án thì ít ra cần sớm có định hướng phát triển chung (không thể sử dụng nội dung các đề án đã lập hàng chục năm trước - PV) như thế nào để mời gọi nhà đầu tư. Còn trước mắt, nếu cho phép xây dựng tạm thì chỉ nên cho trong một số khu vực chứ không phải toàn bộ diện tích trong dự án bởi có thể sẽ gây lãng phí rất lớn về sau.
Ông TRẦN TRỌNG TUẤN, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM:
Sẽ đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho dân
Mới đây Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND TP hai phương án: Phương án 1 giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan khẩn trương triển khai công tác đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Phương án 2, rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Sau đó đánh giá, xác định tính khả thi của dự án để điều chỉnh hoặc đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất hằng năm.
Sở lựa chọn phương án 2 là vì phương án 1 lâu nay vốn đã thực hiện nhưng chưa có kết quả. Trong quá trình chờ triển khai thực hiện dự án, người dân có những nhu cầu cấp thiết như tách thửa, xây dựng…Việc giải quyết các yêu cầu này là đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân.
Tuy nhiên, nếu thực hiện theo phương án này thì điều cần chú trọng là phải bảo đảm quy hoạch, hài hòa lợi ích của các bên như người dân, Nhà nước và nhà đầu tư. Tránh tình trạng khi bồi thường giải phóng mặt bằng thì tổng mức đầu tư tăng quá cao khiến các nhà đầu tư không thể thực hiện và dự án lại treo.
Ngoài ra, việc cấp phép xây dựng tạm và tách thửa vẫn phải thực hiện theo quy định pháp luật (Quyết định 60/2017 về tách thửa, Quyết định 26/2017 về cấp phép xây dựng của UBND TP.HCM). Địa phương được quy định là nơi có trách nhiệm chính trong quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng, kể cả tuyên truyền, giải đáp cho người dân hiểu rõ.
Ngày 20-10, PV Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh nhưng vị này đi công tác. Sáng 22-10, PV đến UBND quận để xin gặp trực tiếp song vẫn không gặp được. Chiều 22-10, PV liên hệ qua điện thoại nhưng lãnh đạo quận cho hay đang bận họp nên chưa trao đổi được những thông tin liên quan tới dự án Bình Quới-Thanh Đa. |
Dân ăn no nhưng ngủ chưa yên Hiện tại người dân phường 28 đang trong tình trạng “ăn no nhưng ngủ chưa yên”, cứ sống trong cảnh phập phồng không biết có được xóa quy hoạch hay không. Nếu vẫn giữ quy hoạch thì đến khi nào mới làm… Do vậy, chúng tôi mong quy hoạch càng sớm thực hiện càng tốt. Trường hợp TP chưa tìm được nhà đầu tư thì nên cho người dân xây nhà tạm để ở và yêu cầu người dân cam kết sẽ không bồi thường khi dự án được triển khai. Cá nhân tôi thì mong sớm tìm được nhà đầu tư cho khu vực này vì như thế đô thị mới mỹ quan được. Chứ hiện nơi đây nhà ổ chuột cũng có, nhà dột nát cũng có, sự pha trộn này làm cho cả khu vực trở nên nhếch nhác. Ông NGUYỄN VĂN HƯƠNG, tổ trưởng tổ 14, phường 28, quận Bình Thạnh |