Hằng năm, cứ vào dịp tết Nguyên đán là tai nạn giao thông (TNGT) lại tăng đột biến. Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, số người chết vì TNGT những ngày nghỉ tết Giáp Ngọ (2014) là 282 người, tết Ất Mùi (2015) là 317 người. Vì vậy người ta không khỏi lo lắng khi tự hỏi: “Liệu tết Bính Thân năm nay sẽ có bao nhiêu người ra đi vì TNGT?”. Con số đó hiện chưa thể trả lời được nhưng có một điều chắc chắn rằng: Nó không phải là con số 0!
Làm gì để giảm TNGT ngày tết? Có lẽ không riêng gì các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt tình trạng giao thông hơn nữa, mà ngay hành khách ngồi trên xe cũng phải vào cuộc để tránh hiểm họa cho mình.
Với quan niệm “Chạy lăng xăng cả năm không bằng tăng vài chuyến ngày tết” nên những ngày này các chủ xe thường ra sức khai thác phương tiện triệt để và tất nhiên là cả sức lực tài xế. TNGT ngày tết sở dĩ tăng cao là do tài xế chạy quá tốc độ để tăng chuyến, vượt ẩu để tranh giành khách…
Theo tôi, những nguyên nhân gây tai nạn trên đều có thể hạn chế được nếu lực lượng giám sát ATGT có nghiệp vụ giỏi, đạo đức tốt. Họ sẽ ngăn chặn kịp thời những phương tiện thiếu an toàn kỹ thuật, kiểm tra xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm luật lệ giao thông và quan trọng là không tơ hào, mãi lộ.
Cơn buồn ngủ bất ngờ của tài xế là một trong những nguyên nhân gây nên TNGT. Ảnh: CTV
Tác nhân ngủ gật của tài xế
Tuy nhiên, nguyên nhân gây tai nạn còn có một tác nhân khác mà không ai có thể kiểm tra, ngăn chặn được, đó là việc ngủ gật của tài xế.
Là người trong nghề, tôi cam đoan rằng bất cứ tài xế chạy đường dài nào cũng từng chống chọi cơn buồn ngủ cực độ đến với mình vài lần. Trình tự diễn ra là trước đó rất nhiều lần cơn buồn ngủ đến với tài xế với cấp độ tăng dần. Ban đầu họ chống chọi bằng ý chí, sau đó là bằng các chất kích thích như cà phê, nước tăng lực, trà Bắc đậm đặc, thậm chí là thuốc “chống buồn ngủ” của Trung Quốc...
Kinh nghiệm bản thân tôi cho thấy những thứ ấy có thể trì hoãn cơn buồn ngủ ngắn hạn trong vài tình huống, vài chuyến đi. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài, một khi cơ thể không còn chịu được nữa thì cơn buồn ngủ thình lình ập đến nhấn chìm mọi ý chí của tài xế. Lúc đó tài xế rơi vào trạng thái ngủ gật từng chặp hoặc rơi vào “giấc ngủ trắng” mà giới trong nghề gọi là trạng thái “đứng hình”. Đó là nguyên nhân vì sao hai xe đâm trực diện nhau hoặc xe rơi xuống vực thẳm... (mà người ta thường cho là lạc lái), gây cảnh đau thương ngút ngàn cho nhiều hành khách và gia đình.
Tôi cũng một lần bị rơi vào trạng thái “đứng hình” đó. Sau một chuyến đi dài ngày, cố chạy thêm vài chục cây số nữa để kết thúc chuyến đi đúng giờ thì suýt gây ra tội ác kinh hoàng! Mắt tôi vẫn mở, tay vẫn đặt trên vô lăng nhưng quang cảnh giao thông trước đầu xe thì không có gì thay đổi nên cứ ôm vô lăng mà thẳng tiến. May nhờ một hành khách ngồi cạnh ghế lái phát hiện, anh ta hoảng hốt la lên khi xe tôi sắp lao vào các cô cậu học trò đang trên đường tung tăng đến trường!
Giấc ngủ liu riu gần sáng
Vào dịp tết, tài xế làm việc suốt ngày đêm không được nghỉ ngơi hoặc thiếu ngủ lâu ngày gây nên trạng thái “lơ mơ” như tôi là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, còn có nhiều nguyên nhân khác như sức khỏe tài xế vốn đã yếu; đang mang mầm bệnh trong người; đang uống một loại thuốc điều trị bệnh nào đó; uống rượu bia; nhịp sinh học sinh hoạt trong người bị thay đổi; bị stress với nhiều lý do cũng dễ xảy ra tình trạng ngủ gật bất thường.
Cao điểm của cơn buồn ngủ thường rơi vào gần sáng, khi mà tài xế đã ra sức chống chọi với nó suốt đêm trong khi hành khách trên xe thì “ngáy đều”. Cảnh đường thanh vắng, tiếng lốp rì rào cũng là tác nhân ru họ vào giấc ngủ.
Dù đã về hưu nhưng nhớ tới những lần chống chọi với cơn buồn ngủ trên xe mà tôi không khỏi rùng mình. Cái cảm giác nằng nặng đầu cứ tăng dần, sau đó thì đầu óc dật dờ, mụ mị, lơ mơ, trong khi đó trước mặt thì xe cộ dập dìu. Lúc ấy, lý trí luôn kêu gọi rằng hãy tỉnh táo, không được phép lơ là, sinh mạng mình và sinh mạng hành khách đang lệ thuộc vào tay lái mình. Nhưng những cảnh báo ấy chỉ giúp mình tỉnh táo được một lúc rồi cơn buồn ngủ lại ập tới dữ dội hơn và sự đấu tranh đó lại tiếp diễn trong đầu tài xế suốt hành trình còn lại.
Câu hỏi đặt ra cho tài xế là tại sao không nghỉ ngơi ngay lúc đó? Thật lòng là khó nói lắm! Ngoài áp lực của chủ xe phải tăng vòng, tăng chuyến, không đạt thì đồng nghĩa với mất việc..., tài xế còn sợ bị đồng nghiệp chê bai là “đẳng cấp” cầm lái yếu...
Hẳn mọi người đã biết nếu để tài xế thiếu ngủ thì dễ dàng dẫn đến hậu quả khôn lường. Và sự khắc phục duy nhất là phải có người khác thay lái khi người đang cầm lái thấy cần phải được nghỉ ngơi. Dù được vậy, hành khách gần ghế tài xế hoặc nhà xe cũng đừng để tài xế đơn độc thức trong đêm. Thương mình, thương người thì thi thoảng hãy gợi chuyện vui gì đó để tài xế khỏi bị cơn ngủ ập đến.
Đối với nhà xe, xin đừng bằng mọi giá để tăng thu nhập ngày tết, đừng vì giảm chi phí mà không thuê đúng số lượng tài xế cần thiết. Với những tài xế thì hãy luôn cẩn trọng từng hành vi của mình, nếu thấy sức khỏe có vấn đề thì tạm thời đừng cầm lái. Với lực lượng giám sát ATGT cũng đừng coi đây là mùa “thu hoạch” mà phải tăng cường kiểm tra, giám sát cho thật tốt.
Hơn 50% TNGT là do tài xế ngủ gật Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Long An, kể từ khi cao tốc TP.HCM - Trung Lương đưa vào sử dụng, đoạn cao tốc đi qua địa bàn tỉnh này (gần 30 km) đã xảy ra 212 vụ TNGT, làm chết 33 người, bị thương 149 người. Qua phân tích, Ban ATGT tỉnh Long An đánh giá có đến 76% các vụ TNGT xảy ra vào ban đêm, trong đó hơn 50% trường hợp là do các tài xế ngủ gật. |