Hiểu đúng về quy định chở chó, mèo trên xe máy khi tham gia giao thông

(PLO)- Nghị định 168/2024 quy định không xử phạt hành vi chở chó, mèo trên xe máy nhưng một số quy định khác có quy định về vấn đề này nếu không đảm bảo an toàn giao thông và an toàn về quy định vật nuôi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian gần đây, nhiều trang mạng xã hội xôn xao về việc chở chó, mèo trên xe máy bị xử phạt với mức phạt rất cao.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Đoàn Thị Hồng Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết tại điểm e khoản 3 Điều 7 Nghị định 168/2024 (quy định xử phạt, trừ điểm giấy phép lái của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ), quy định phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với “người điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt vật nuôi, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái của xe”.

trên xe máy
Khi tham gia giao thông, người điều khiển xe cần hiểu đúng về việc chở chó, mèo trên xe. (Ảnh minh hoạ)

Căn cứ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 18/2023 hướng dẫn Luật Chăn nuôi 2018 thì chó, mèo là những loài vật nuôi được phép chăn nuôi.

Như vậy, nếu chiếu quy định nêu trên tại Nghị định 168/2024 thì chỉ xử phạt vi phạm theo Nghị định 168 khi người điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe “dẫn, dắt” vật nuôi, còn đối với hành vi “chở” vật nuôi ngồi trên phương tiện giao thông thì không bị xử phạt theo Nghị định này.

Luật sư Đoàn Thị Hồng Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM

Bên cạnh đó, Luật sư cũng cho biết tại Điều 32 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có quy định người điều khiển, dẫn dắt vật nuôi, điều khiển xe vật nuôi kéo đi trên đường bộ như sau: Người điều khiển, dẫn dắt vật nuôi, điều khiển xe vật nuôi kéo đi trên đường bộ phải cho vật nuôi đi sát mép đường bên phải; trường hợp cần cho vật nuôi đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; không được gây cản trở cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác.

Không được điều khiển, dẫn dắt vật nuôi, điều khiển xe vật nuôi kéo đi vào làn đường dành cho xe cơ giới.

Không được thả vật nuôi trên đường bộ.

Tuy nhiên, khi người điều khiển phương tiện giao thông chở chó trên xe nhưng không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn như không tiêm phòng bệnh dại hay không đeo rọ mõm cho chó thì bị xử phạt hành chính là phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017 (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020) đối với hành vi vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn.

Bên cạnh đó, nếu người điều khiển phương tiện giao thông chở chó, mèo gây tai nạn giao thông mà nguyên nhân do hành vi chở chó, mèo gây ra. Ví dụ: không có các giải pháp an toàn như dùng lồng chuyên dụng hoặc balo vận chuyển chó, mèo; không buộc dây an toàn, để chó, mèo di chuyển tự do dẫn đến các hành vi gây ra tai nạn giao thông như chó bất ngờ nhảy xuống xe, chó, mèo va chạm với các phương tiện khác đang di chuyển… thì chủ sỡ hữu hay chủ nuôi và/hoặc người đang điều khiển phương tiện chở chó, mèo phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể: khoản 4 Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018 và Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Điều 66. Quản lý nuôi chó, mèo

Chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

4. Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.”

“Điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”.

Như vậy, mặc dù Nghị định 168 không có quy định xử phạt đối với hành vi “chở” chó, mèo hay vật nuôi trên xe máy khi tham gia giao thông nhưng tại các văn bản quy phạm pháp luật khác như đã phân tích nêu trên đều cho thấy rằng hành vi “chở” chó, mèo trên xe máy khi tham gia giao thông mà không đảm bảo các biện pháp đảm bảo an toàn theo quy định có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật hành chính và dân sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm