Đừng để thẻ tín dụng là miếng phô mai trong bẫy chuột

(PLO)- Những ngày gần đây, dư luận xôn xao chuyện khách hàng nợ 8,5 triệu đồng nhưng sau 11 năm Eximbank yêu cầu phải trả số tiền gốc và lãi lên tới trên 8,8 tỉ đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao chuyện khách hàng nợ 8,5 triệu đồng nhưng sau 11 năm Eximbank yêu cầu phải trả số tiền gốc và lãi lên tới trên 8,8 tỉ đồng. Câu chuyện lùm xùm trên cho thấy thẻ tín dụng không “ngon ăn” như lời quảng cáo của các nhân viên ngân hàng khi họ chào mời mở thẻ.

Cách tính lãi của Eximbank đúng - sai hạ hồi sẽ phân giải nhưng chuyện này ít nhiều khiến người dân phải giật mình kiểm tra lại những khoản nợ vay, những thẻ tín dụng để lâu không xài.

Nhiều chuyên gia về thẻ ngân hàng cũng cho rằng người dân nên cân nhắc kỹ trước khi mở thẻ tín dụng. Nếu là một người thường xuyên thanh toán các hóa đơn mua hàng, có ý thức tốt về việc trả nợ bảng sao kê của mỗi kỳ thanh toán, thẻ tín dụng đúng thực là một lựa chọn thông minh. Nhưng nếu bạn không có nhu cầu sử dụng thẻ một cách thường xuyên thì thẻ tín dụng chỉ là miếng phô mai trong bẫy chuột mà thôi.

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết điều tiên quyết đối với khách hàng trước khi đặt bút ký vào hợp đồng mở thẻ tín dụng với ngân hàng, đó là cần phải đọc và hiểu rõ các thỏa thuận trong đó.

Nếu lười đọc hết hàng chục trang hợp đồng, ít nhất khách hàng cũng phải tìm hiểu rõ để biết hằng tháng vào ngày nào sẽ phải trả nợ sao kê. Trong đó sao kê gồm tiền gốc và lãi ra sao, số tiền phải thanh toán tối thiểu là bao nhiêu.

Trong trường hợp bạn không thanh toán đầy đủ số dư nợ được ghi trên bảng sao kê thì phần dư nợ còn lại sẽ được tính lãi như thế nào? Hoặc không thanh toán bất cứ đồng nào tại một kỳ sao kê nào đó thì mức lãi phạt là bao nhiêu, rồi phần lãi phạt đó có gộp vào tiền gốc của kỳ thanh toán tiếp theo không?… Tất cả câu hỏi đó cần phải được tìm hiểu rất kỹ.

Trước khi bán sản phẩm thẻ tín dụng cho khách hàng, nhân viên ngân hàng buộc phải giải thích cho khách hàng hiểu rõ về sản phẩm đó. Đến khi trao thẻ tín dụng cho khách hàng vẫn phải xác nhận lại xem khách hàng đã thực sự hiểu hết về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng thẻ tín dụng chưa, quy định tính lãi, phí, ngày trả nợ…

Bởi thực tế có những nhân viên bán sản phẩm dịch vụ cho khách hàng đã không tư vấn một cách đầy đủ. Tiếp đến, khi khách hàng rơi vào tình trạng chậm trả nợ thì phía ngân hàng cũng không giải thích cho chủ thẻ một cách cặn kẽ về những rủi ro có thể gặp phải với “ma trận” tính phí nếu khoản vay liên tiếp bị chậm trả. Chẳng hạn phí trễ hạn số tiền thanh toán tối thiểu; phí sử dụng vượt hạn mức của thẻ, lãi vay trong hạn, lãi phạt chậm trả… Chưa kể, phương thức tính cũng rất phức tạp, người dân không thể tự tính được, ngay cả chuyên gia tài chính ngân hàng tính lãi thẻ tín dụng cũng rối.

Nói tóm lại, để khoản vay của thẻ tín dụng không rơi vào tình trạng “lãi mẹ đẻ lãi con”, ngoài việc khách hàng phải trả đúng hạn thì ngân hàng cũng phải có trách nhiệm trong việc nhắc nợ.

Lãi suất của thẻ tín dụng rất là cao. Nên không có nhu cầu thật sự thì không nên mở thẻ tín dụng, có thẻ thì phải chi tiêu có kế hoạch, trả nợ đúng kỳ để không phải vướng nợ xấu, lãi khủng như vụ việc vừa qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm