Bộ Công Thương vừa ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra bảy công ty bán hàng đa cấp. Đây là điều cần thiết để rà soát, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh hàng đa cấp sau khá nhiều năm lùm xùm. Tuy nhiên, liệu có triệt hết những kẻ làm ăn bất chính?
Sức hấp dẫn của các công ty bán hàng đa cấp vẫn luôn ở vị trí cao, đặc biệt là với các đối tượng là người dân ở vùng xa, ít tiếp cận thông tin, phạm vi hiểu biết hạn chế. Mong muốn làm ăn kinh doanh, phát triển kinh tế là chính đáng, hợp pháp. Nhưng nhiều người muốn giàu nhanh, đạt hiệu quả tức thời mà công sức bỏ ra lại không tương ứng. Tâm lý này là mảnh đất màu mỡ cho các công ty đa cấp hoạt động bất chính tung hoành. Thật ra bán hàng đa cấp là không sai, mô hình hệ thống tháp tiêu thụ, kênh phân phối nhiều chân rết phát triển theo cấp số nhân… không sai, chỉ có biến tướng của nó mới sai, mới trái pháp luật.
Nhóm đứng đầu Công ty Liên kết Việt bán hàng đa cấp tại một cuộc hội thảo. Ảnh: INTERNET
Quy định pháp luật hiện nay của chúng ta từ quản lý kinh doanh đa cấp (KDĐC) đến chế tài vi phạm đều khá đầy đủ. Theo Nghị định 42/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, doanh nghiệp (DN) KDĐC bị cấm trong 18 hành vi, người KDĐC bị cấm trong năm loại hành vi. Tuy nhiên, việc quản lý trong quá trình vận hành của DN bán hàng đa cấp luôn rất hạn chế. Điều 5 Nghị định 42 cấm buộc người tham gia mạng lưới phải mua một lượng hàng làm điều kiện để tham gia hay thưởng tiền, hoa hồng, lợi ích kinh tế khác cho người chiêu dụ người khác tham gia mạng lưới. Thế nhưng trong quá trình các DN hoạt động, cơ quan quản lý chỉ kiểm tra từng đợt rồi thôi nên DN có cơ hội khuếch trương, dụ dỗ người tham gia bằng các chính sách bị cấm này mà vẫn thản nhiên tồn tại.
Cơ chế xử lý, truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi sai trái rất có vấn đề. Thông qua báo chí đã phát hiện nhiều trường hợp có dấu hiệu vi phạm là rất rõ ràng, có đủ chứng cứ nhưng lại không xử phạt hoặc rất chậm trễ, gây nhiều tác hại cho xã hội. Hàng loạt bài báo phanh phui cách làm ăn bất thường, có dấu hiệu lừa đảo nhưng lắm khi phải một thời gian dài sau mới có kết quả xử lý. Thậm chí có DN bị rất nhiều tờ báo viết bài về cách làm ăn mập mờ nhưng vẫn hoạt động như không hề có chuyện gì.
Lòng tham ở nhiều người là môi trường dung dưỡng và phát triển sự lộng hành của các DN làm ăn bất chính. Khuyến cáo của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương cùng các cơ quan chức năng về các biểu hiện của KDĐC phi pháp về tám dấu hiệu để nhận diện KDĐC bất chính rất cần được phổ biến rộng rãi, nhất là với bà con vùng sâu, vùng xa.
Tính minh bạch trong hoạt động của các tổ chức, cá nhân luôn là vấn đề cần chú trọng triệt để. Cần công khai thông tin để những người tham gia hoạt động KDĐC được hiểu biết rõ ràng, thấu đáo và nhìn ra được loại nào chính đáng, loại nào bất hợp pháp mà có ứng xử tương xứng, giảm khả năng bị lôi kéo do sự mù mờ thông tin.
Tám dấu hiệu nhận diện KDĐC bất chính: 1. Người bán hàng thường yêu cầu người tham gia đặt cọc và phải mua lượng hàng hóa ban đầu hoặc trả tiền để tham gia vào mạng lưới của DN bán hàng đa cấp. 2. Không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không cam kết mua lại với giá tối thiểu 90% mức đã bán. 3. Cho hưởng lợi ích kinh tế chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới. 4. Thông tin sai lệch về lợi ích tham gia mạng lưới và hàng hóa để dụ dỗ người khác bán hàng đa cấp. 5. Lợi nhuận không phát sinh từ việc bán hàng mà chủ yếu từ việc tuyển dụng người tham gia. 6. Khuyến khích, dạy người khác tuyển người bằng việc hứa trả tiền thưởng. 7. Không quan tâm tới hàng hóa, hàng hóa chỉ để tượng trưng, không có giá trị sử dụng và khó tìm thấy để so sánh trên thị trường. 8. Buộc và hối thúc người tham gia mua hàng mặc dù biết không bán được hàng gây rối người tiêu dùng. |