“Việc xử phạt hành vi lắp bánh lốp không đảm bảo tiêu chuẩn, đèn chiếu sáng không đúng tiêu chuẩn là để phòng ngừa tai nạn giao thông. Nếu người thực thi công vụ thực hiện không đúng quy định, có dấu hiệu tiêu cực thì sẽ bị xử lý nghiêm”. Thiếu tá Phạm Việt Công (ảnh), Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT (C67), Bộ Công an, trả lời Pháp Luật TP.HCM.
Như chúng tôi đã thông tin gần đây, hai hiệp hội vận tải đã có văn bản đề nghị Bộ Công an, Bộ GTVT hướng dẫn cụ thể về cách thức xác định vỏ mòn, biển số mờ, đèn mờ... không đảm bảo an toàn giao thông. Nguyên do các thành viên của hai hiệp hội phản ánh việc CSGT dùng mắt kiểm tra, xử phạt lỗi này nên không thuyết phục. Một số CSGT cũng khẳng định do không có thiết bị đo nên việc kiểm tra, phạt các lỗi này dễ gây phản ứng từ lái xe.
Quy chuẩn, quy định đã nêu rõ
Thiếu tá Công cho biết Cục CSGT chưa nhận được văn bản kiến nghị của hai hiệp hội vận tải hàng hóa. “Tuy nhiên, sau khi báo chí phản ánh, C67 đã nghiên cứu kỹ cách thức xử lý đối với các vi phạm đã nêu và xác định CSGT hoàn toàn có thể phát hiện và xử lý các vi phạm này bằng mắt thường” - Thiếu tá Công nói.
Cụ thể, theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô (QCVN: 09:2011 của Bộ GTVT) và Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có thể quan sát trực tiếp hoặc bằng thiết bị chuyên dùng để kiểm tra tiêu chuẩn của vỏ. “Một số biểu hiện của vỏ như bị mòn tới lớp sợi mành, mòn quá dấu chỉ báo độ mòn của nhà sản xuất hoặc bị nứt vỡ… thì quan sát bằng mắt thường cũng nhận biết được. Chỉ khi kiểm tra áp suất vỏ hoặc chiều cao hoa vỏ thì mới phải sử dụng đến dụng cụ đo lường” - Thiếu tá Công giải thích.
Ngoài ra, theo quy chuẩn 09 vừa nêu có hai phương pháp để kiểm tra đèn xe. Thứ nhất là kiểm tra cường độ ánh sáng bằng thiết bị chuyên dụng, thứ hai là kiểm tra bằng quan sát. “Đèn chiếu xa phải đảm bảo chiều dài dải sáng tối thiểu 100 m, rộng 4 m còn đèn chiếu gần là 50 m và phải đảm bảo quan sát được chướng ngại vật ở khoảng cách 40 m. Ngoài ra, các loại đèn báo rẽ trước, rẽ sau, thắng, lùi phải bảo đảm nhận biết được tín hiệu ở khoảng cách 20 m trong điều kiện ánh sáng ban ngày...” - Thiếu tá Công khẳng định.
CSGT đang kiểm tra một trường hợp vi phạm giao thông. Ảnh: TP
“Không có việc gây khó cho tài xế!”
Một hành vi vi phạm khác cũng gây nhiều tranh cãi đó là biển số xe bị mờ. Nhiều tài xế cho rằng không có quy định nào nói rõ biển số bị mờ đến mức nào thì bị xử phạt khiến họ không “tâm phục, khẩu phục” khi bị phạt. Thiếu tá Công cho rằng tại Thông tư 70 cũng nêu rõ phương pháp kiểm tra nội dung là bằng quan sát. Nếu phát hiện các chữ, số không rõ ràng, không đúng với giấy đăng ký xe thì CSGT sẽ xử lý. “Mờ là không thể nhìn rõ chữ hoặc số, ví dụ số 8 mà thành số 3. Trong nhiều trường hợp, biển số mờ chính là một trong những dấu hiệu để nhận biết về sự bất thường của chiếc xe, đó có thể là tội phạm ma túy, buôn lậu” - Thiếu tá Công giải thích.
Về thắc mắc CSGT nói biển số mờ nhưng tài xế khẳng định rõ thì sao, Thiếu tá Công nói rằng theo quy định, người vi phạm phải chấp hành việc lập biên bản vi phạm hành chính của CSGT và có quyền khiếu nại theo quy định.
Bên cạnh băn khoăn về việc xử phạt các hành vi đã nêu ở trên, không ít tài xế phản ánh khi CSGT kiểm tra giấy tờ hoặc trọng tải nhưng không vi phạm thì quay sang xử lý lỗi vỏ mòn, biển số hoặc đèn mờ là gây khó khăn cho họ. Thiếu tá Công trả lời: “Mọi hành vi vi phạm đều phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định. Về quy trình, khi dừng xe, CSGT sẽ kiểm soát giấy tờ của người điều khiển (như giấy phép lái xe), giấy tờ của xe (đăng ký xe, sổ kiểm định) và điều kiện của xe, trong đó có các điều kiện an toàn”.
Giải thích chưa thuyết phục Việc áp dụng Thông tư 70/2015 và QCVN: 09/2011 của Bộ GTVT để xác định vỏ mòn, đèn mờ, biển số mờ như giải thích nêu trên là phù hợp. Trong kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, chúng tôi viện dẫn quy định này và khẳng định các quy định trên đã hướng dẫn chi tiết và hợp lý. Tuy nhiên, Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT nêu rõ chỉ áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm định xe. Tương tự, QCVN: 09/2011 chỉ áp dụng đối với hoạt động sản xuất, lắp ráp xe, linh kiện của xe và hoạt động kiểm định chúng. Với phạm vi điều chỉnh như vậy, việc CSGT căn cứ vào đó để giải thích cho là chưa đảm bảo căn cứ pháp lý. Theo tôi, nếu quy định của ngành giao thông được CSGT áp dụng thì Bộ GTVT và Bộ Công an phải có văn bản liên tịch. Ngoài ra, đây là một hoạt động khá chuyên môn nên để áp dụng chuẩn xác, phù hợp thì CSGT phải được ngành đăng kiểm tập huấn. Bên cạnh đó, CSGT cũng phải có các thông báo rộng rãi về các dấu hiệu để bằng mắt thường nhận biết các lỗi này. Khi đó, việc dùng mắt định lượng để bắt các lỗi kỹ thuật sẽ khách quan hơn. Luật sư THÁI VĂN CHUNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM G.NGHĨA ghi |