Báo Pháp Luật TP.HCM vừa khởi đăng loạt bài về "Tòa lật tẩy các “hợp đồng… xiết nợ”" nêu các thực tại việc tranh chấp hợp đồng mua bán nhà, đất mà nhiều khả năng là hệ lụy của các khoản vay nặng lãi, một hình thức xiết nợ.
Tòa án dù mất công, tốn sức đã làm rõ sự thật, tuyên án công bằng và bảo vệ được nạn nhân của những kẻ cho vay nặng lãi, vốn là bên yếu thế trong giao dịch.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Đã có rất nhiều bạn đọc gửi ý kiến về bày tỏ sự quan tâm đối với nội dung này. Các bạn cho rằng đây là một biến tướng mà bên cho vay sử dụng khi bên vay không trả được nợ và tiền lãi, khi đó bên cho vay sẽ yêu cầu bên vay thực hiện hợp đồng chuyển nhượng (ý kiến của bạn Hồng Anh).
Nhiều bạn đọc khẳng định đó chính là giao dịch giả tạo vì nó luôn có hai giao dịch trong đó. Một giao dịch bề ngoài và một giao dịch bị che giấu. Trong trường hợp này giao dịch bề ngoài là giao dịch mua bán nhà ở. Giao dịch bị che giấu là giao dịch vay tài sản.
“Do tâm lý ngại đụng đến các thủ tục vay vốn tại các ngân hàng nên người nghèo dù có tài sản nhà, đất cũng phải ra ngoài vay nóng nên dễ gặp rủi ro” -bạn Lê Hồng Quang nhận xét.
Đây là vấn đề diễn ra khá phổ biến ở hoạt động cho vay hiện nay, nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh cũng như gây thiệt hại nặng nề đối với tài sản cho bên đi vay (bạn Hải viết).
Tòa không công tâm con nợ thua chắc
Đã có nhiều vụ tranh chấp hợp đồng mua bán nhà, đất mà khả năng chính là một hình thức xiết nợ đã xảy ra. Hợp đồng mua bán nhà, đất trong những trường hợp này chính là hợp đồng giả cách. Những vụ việc như thế này, người dân hầu hết chỉ có thể trông đợi ở việc xét xử của tòa án.
Bạn đọc Linh cho rằng “Mua nhà, đất mà không hề tới tận nơi xem nhà, đất thế nào, ai đang ở đó, có tranh chấp kiện tụng gì không, chỉ ký trên giấy tờ là biểu hiện phổ biến của những kẻ bắt tay nhau trong đường dây xiết nhà, đất của con nợ bằng con đường hợp pháp là sang tên rồi đi kiện đòi nhà. Tòa mà không công tâm là con nợ thua chắc”.
Đồng tình, bạn Nguyễn Văn Minh nói thêm: “Pháp luật dân sự đã quy định rất rõ là hợp đồng giả cách thì sẽ vô hiệu, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”.
Tuy nhiên, cũng có một số băn khoăn về quyền lợi của người thứ ba ngay tình và khó khăn của các công chứng viên khi gặp những trường hợp này.
“Về nghiệp vụ, công chứng viên dễ dàng nhận biết các hồ sơ công chứng mua bán mà đằng sau đó là quan hệ vay tiền. Tuy nhiên, nếu hai bên đều tự nguyện, tự thỏa thuận, đủ năng lực hành vi dân sự, hồ sơ đầy đủ thì công chứng viên không có lý do để từ chối công chứng” - bạn Lưu Phương Hạnh khẳng định.
“Khi gặp trường hợp này, công chứng viên có trách nhiệm nhắc nhở, khuyến cáo rủi ro cho người vay để họ suy nghĩ kỹ trước khi ký” - bạn Anh Hòa gợi ý.
Có thể mượn ý kiến bình luận của bạn Yêu Báo Pháp Luật để thay lời kết: “Hy vọng qua bài viết này mọi người cảnh giác nhiều hơn, đừng vì lợi nhỏ trước mắt mà mất trắng tài sản của mình. Nếu cần tiền thì đi ra các tổ chức tín dụng vay và thế chấp tài sản hợp pháp”.
Nhà nước cần tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Khi việc tiếp cận thông thoáng, thuận lợi thì người dân sẽ hạn chế vay tiền bên ngoài xã hội với rất nhiều rủi ro như vậy (ý kiến của bạn Hương và nhiều bạn đọc khác).
“Hợp đồng công chứng rồi sau đó ra nói tôi vay tiền và ký hợp đồng bán nhà để cầm cố. Nếu vậy tôi cũng có thể xem là bán nhà để trừ tiền chứ? Hợp đồng đã công chứng mà tòa phán theo kiểu suy diễn như thế này thì loạn cả lên. Nếu chủ cũ ký bán cho chủ mới và đem thế chấp ngân hàng với giấy tờ hợp lệ và sau đó tranh chấp hai bên đưa ra hợp đồng vay thì gọi là giả cách thì ngân hàng chết à” - bạn Tuấn Lê đặt vấn đề. “Vậy còn quyền lợi của người mua ngay tình thì sao, họ không có lỗi, họ giao dịch hợp pháp, pháp luật cũng có quy định phải bảo vệ quyền lợi của họ nhưng tòa án không áp dụng, người bán không còn tài sản để trả lại cho họ thì thiệt hại của họ ai gánh chịu?" - bạn Vũ Mập nêu quan điểm. |