Được bồi thường 830 tỉ nhưng 1 doanh nghiệp nói không cần

Sáng 10-11, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phiên phúc thẩm 12 bị cáo trong vụ án Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Theo bản án sơ thẩm, 19 bị cáo bị tuyên phạt từ 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 9 năm 6 tháng tù về một trong hai tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài trách nhiệm hình sự, tòa còn buộc các bị cáo liên đới bồi thường hơn 830 tỉ đồng – thiệt hại của vụ án - cho TISCO.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm

Tại phiên phúc thẩm, TISCO được triệu tập tới tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự. HĐXX, đại diện VKS cùng luật sư đặt nhiều câu hỏi với đại diện công ty này xung quanh khoản tiền nêu trên.

Trả lời tòa, cũng giống phiên sơ thẩm hồi tháng 4-2021, đại diện TISCO tiếp tục khẳng định công ty này không yêu cầu các bị cáo bồi thường số tiền 830 tỉ đồng. Đối với thiệt hại của vụ án, hiện TISCO đang đề nghị Tập đoàn Khoa học, công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung trong kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Đáng chú ý, đại diện TISCO cho rằng việc đánh giá thiệt hại của vụ án ở con số 830 tỉ đồng là chưa đầy đủ. Theo vị này, dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên có 22 gói thầu, trong đó 2 gói chính là mỏ sắt Tiến Bộ và hợp đồng EPC 01.

Tổng chi phí của dự án là chi chung cho toàn bộ các gói thầu, bao gồm mỏ sắt Tiến Bộ. Từ năm 2013, mỏ sắt đi vào hoạt động, không có sai phạm gì. Trong số 830 tỉ tiền lãi mà cáo trạng cáo buộc là thiệt hại của vụ án thì có cả phần lãi từ tiền vay cho mỏ sắt Tiến Bộ.

Đại diện VKS tham gia phần xét hỏi

Trước việc TISCO “không đòi bồi thường”, đại diện VKS lập tức hỏi: “TISCO chỉ có 35% vốn đầu tư, còn lại của nhà nước, vậy với lý do và tư cách gì TISCO không đòi bồi thường. Dự án này 30 tháng phải hoàn thành nhưng nó qua 14 năm rồi vẫn chưa hoàn thành, vậy mà TISCO lại bảo ko có thiệt hại, anh nghĩ thế nào”?

Đáp lời, đại diện TISCO nói xét về thiệt hại thì có rất nhiều cá nhân đơn vị khác, theo như kết luận của Thanh tra Chính phủ. Dù vậy, TISCO tôn trọng quyết định của toà án cấp sơ thẩm và không kháng cáo.

Liền đó, vị kiểm sát viên quyết liệt: “Tài sản nhà nước không được quyền thoả thuận. TISCO không có quyền định đoạt số 65% vốn nhà nước trong công ty mình.  Không thể có chuyện hiểu không đúng trong việc bồi thường, gây hoài nghi”.

Trả lời luật sư sau đó, đại diện TISCO cho hay sau khi có kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, TISCO đã tích cực thực hiện các nội dung trong kết luận, đã làm việc với MCC và các nhà thầu phụ để giải quyết vướng mắc. Đến thời điểm hiện tại, hợp đồng EPC số 01 chưa thanh lý, các bên vẫn đang đàm phán để tiếp tục khắc phục.

TISCO cũng đang nghiên cứu, đề xuất cấp trên về khả năng khởi kiện MCC và các nhà thầu phụ, trong trường hợp kiện và được bồi thường thì số tiền này sẽ đưa vào doanh thu và bù đắp các tổn thất của dự án.

Kết thúc phần trình bày về số tiền thiệt hại, đại diện TISCO mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để cân nhắc hình phạt đối với các bị cáo tại TISCO và Tổng công ty Thép Việt Nam - VNS.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm