Được hai đại gia chung sức “cứu”, Gỗ Trường Thành sẽ sống lại?

Cuối tháng 5 vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã chứng khoán TTF) vừa hoàn tất đợt phát hành hơn 95,6 triệu cổ phiếu hoán đổi với Công ty Sứ Thiên Thanh của bầu Thắng. Kết quả, tỉ lệ phân phối xấp xỉ 100% với 62 cá nhân, tổ chức tham gia.

Trong đó, với các cổ đông của Sứ Thiên Thanh tại ngày chốt danh sách hưởng quyền, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu Sứ Thiên Thanh sẽ nhận lại được 8,21 cổ phiếu TTF. Sau phát hành, TTF sẽ tăng vốn lên 3.146 tỉ đồng và lượng cổ phiếu mới phát hành chiếm 46,6% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.

Mục đích của việc sáp nhập giúp TTF thoát nguy cơ lỗ lũy kế vượt cả vốn điều lệ; sau sáp nhập, TTF và Sứ Thiên Thanh sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, trong đó Sứ Thiên Thanh là công ty con do TTF sở hữu 100% vốn.

Bổ sung câu trả lời cổ đông việc sáp nhập sứ Thiên Thanh sẽ được cái gì, Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Mai Hữu Tín cho biết trong bộ sản phẩm hoàn thiện hướng đến bao gồm gỗ, kim loại và sứ, đây là lý do ông Tín “năn nỉ” bầu Thắng để được bắt tay với Sứ Thiên Thanh.

Mặt khác, Trung Quốc mỗi năm xuất khẩu bàn trang điểm với doanh số 4 tỉ USD, trong bối cảnh chiến tranh thương mại thì tổng giá trị này đang chảy mạnh vào Việt Nam, thị trường trong nước theo ông Tín cũng đã nhận khoảng 1 triệu USD/đơn hàng.

Đón đầu cơ hội, “ông trùm” gỗ Việt kỳ vọng Sứ Thiên Thanh có thể sản xuất được hàng đạt chuẩn như vậy, và TTF bắt tay cùng đẩy công suất nhà máy quân bình mỗi năm từ mức 450.000 sản phẩm lên 800.000 sản phẩm đến năm 2020.

Về kinh doanh, bản thân Sứ Thiên Thanh theo đánh giá của ông Tín cũng đang hoạt động có lãi, thị phần tăng trưởng hơn 20%. Sau sáp nhập, Sứ Thiên Thanh sẽ là nhà cung cấp cho TTF.

Một điểm khác, Sứ Thiên Thanh cũng là mấu chốt rất quan trọng để đẩy mạnh sang thị trường Mỹ - nơi mà lãnh đạp ước chừng phải làm được 1-2 triệu USD nhưng vẫn chưa bán được đồng.

Dự kiến trong con số doanh thu hợp nhất năm 2019 của công ty mới, Sứ Thiên Thanh đóng góp chưa đến 300 tỉ doanh thu.

Nếu loại bỏ các khoản dự phòng hàng tồn và phải thu để thấy được khoản lãi thật của TTF, thì trong khoảng vài chục tỉ tiền lãi Sứ Thiên Thanh đóng góp tỉ trọng tương đối lớn. Dự báo thời gian tới, mức doanh thu công ty sứ của bầu Thắng sẽ tăng dần dên, từ 300 tỉ đồng năm 2019 lên 500 tỉ đồng, vài năm nữa sẽ đạt 1.000 tỉ đồng.

Chiều ngược lại, TTF sau khi sáp nhập Sứ Thiên Thanh cũng đặt kế hoạch mở rộng thương hiệu này, nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm gỗ kết hợp thiết bị vệ sinh. TTF sẽ đảm nhận vai trò nâng tầm Sứ Thiên Thanh từ bật thấp nhấp lên các bậc cao hơn, thậm chí có thể vượt Viglacera trong tương lai. Theo lộ trình, TTF cũng sẽ kiếm thêm chục ông như Thiên Thanh nữa.

Như vậy, sau hai năm "mua lại" TTF trong tình trạng thua lỗ nặng nề, gánh nặng dòng tiền khi ngân hàng "buông tay" trước câu chuyện mất mát đột ngột hàng tỉ đồng hàng tồn kho, ông Tín khẳng định đã tìm ra lời giải, và chưa bao giờ bản thân thấy tự tin như hôm nay.

Duy nhất, cái khó nếu có lúc này theo ông là ý chí, để quyết liệt đẩy TTF đi lên là doanh nghiệp đi đầu ngành gỗ trở lại. Trên lộ trình đó, muốn hoàn thiện bộ sản phẩm có gỗ, kim loại và sứ, TTF đã đàm phán với bầu Thắng – ông chủ Tập đoàn Đồng Tâm - để hợp tác với Sứ Thiên Thanh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm