Dưới 14 tuổi không bị tội, nhưng cần xác nhận án tích

Theo đó, dự thảo bổ sung điểm a khoản 4 Điều 26 quy định về việc lập LLTP: Trường hợp người dưới 18 tuổi bị kết án thì ghi rõ “bị kết án dưới 18 tuổi”. Dự thảo cũng bổ sung khoản 4 Điều 42 quy định về nội dung phiếu LLTP số 1: Phiếu LLTP cấp cho người dưới 14 tuổi thì ghi “không có án tích”.

Cơ sở lý luận được đưa ra là gần đây tỉ lệ người chưa thành niên phạm tội ở nước ta tăng nhiều về số lượng, tính chất nghiêm trọng và phức tạp. Theo số liệu của Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi chiếm khoảng 60%; từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm khoảng 32% và dưới 14 tuổi chiếm 8%.

Việc cấp phiếu LLTP cho người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi là dễ hiểu vì theo BLHS hiện hành và BLHS 2015 thì đây là độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, tùy theo loại tội khác nhau. Nhưng nhiều người không rõ vì sao lại có quy định cấp phiếu LLTP cho người dưới 14 tuổi như dự thảo. Bởi lẽ luật quy định trẻ dưới 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự thì sao lại cần ghi vào phiếu LLTP là “Không có án tích”?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Giám đốc Trung tâm LLTP Quốc gia Hoàng Quốc Hùng lý giải: “Nếu chỉ cấp phiếu LLTP cho công dân Việt Nam thì không cần phải quy định như vậy. Nhưng đối tượng cấp phiếu LLTP còn có cả người nước ngoài đang ở Việt Nam”. Theo nghiên cứu thì ở nước ngoài, có một số nước quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự dưới 14 tuổi.

Ông Hùng cho biết quy định trên không chỉ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế mà còn là vấn đề thực tiễn đặt ra. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam công tác mang theo con dưới 14 tuổi, họ có nhu cầu xin cấp phiếu LLTP. Trong khi đó, Việt Nam chưa lưu trữ được cơ sở dữ liệu LLTP nên trong phiếu LLTP số 1 cấp cho người dưới 14 tuổi sẽ ghi là không có án tích.

LƯƠNG YẾN - ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm