Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, hồi 16 giờ chiều 31-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 112,6 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam 230 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo đến 16 giờ ngày 01-8, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển phía đông Vịnh Bắc Bộ, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 210 km, cách Nam Định khoảng 320 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 12.
Chùm ảnh về vị trí và đường đi của bão số 3. Ảnh: NCHMF
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10 km. Đến 16 giờ ngày 02-8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 12.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, sau đổi hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía Tây khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao 3,0-5,5m; biển động rất mạnh.
Từ sáng mai (01-8), ở Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6, từ chiều và đêm mai tăng lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 12. Sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh.
Trước tình hình trên, ngay vào chiều 31-7, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có công điện gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng.
Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các phương án ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ".
Trên biển, tổ chức rà soát kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, khách du lịch... hướng dẫn vào nơi trú tránh an toàn.
Tại khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị: theo dõi chặt diễn biến mưa bão, chủ động phòng tránh ngập lụt, dự trữ nhu yếu phẩm, kiểm soát giao thông, chủ động ứng phó với mưa lũ.
Kiểm tra các hệ thống đê điều, nhất là các đoạn đê xung yếu, đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc để kịp thời khắc phục sự cố khi bão đổ bộ.
Khu vực miền núi, trung du: Chủ động sơ tán dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; đảm bảo an toàn hồ đập và hạ du hồ chứa; sẵn sàng phương án phòng chống lũ theo cấp báo động...