Họp khẩn ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang mạnh

Sáng 2-7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp khẩn ứng phó áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) giật cấp 9 có khả năng mạnh lên thành bão. 

Sáng nay Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai họp khẩn ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão. Ảnh: M.H

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, 7 giờ sáng nay, áp thấp cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180 km và có khả năng thành bão khi vào Vịnh Bắc Bộ, sau đó vào đất liền vào sáng 4-7.

Do ảnh hưởng của ATNĐ, từ ngày 2-7, ở Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, riêng khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông.

Tại Hà Nội từ hôm nay đến 4-7 sẽ có mưa to đến rất to và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc sét và gió giật mạnh.

Cảnh báo: Trên các sông suối khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2 - 5 m. Mực nước đỉnh lũ trên sông Thao có khả năng đạt báo động (BĐ) 1, các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh còn dưới BĐ 1. Khu vực bắc miền Trung, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ do nghẽn dòng, lũ bùn, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh vùng núi phía Bắc, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.

Để chủ động ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh thêm thành bão và mưa lớn, dông lốc cực đoan có thể xảy ra do hoàn lưu của bão, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các bộ ngành, địa phương ven biển từ Quảng Ninh – Hà Tĩnh thường xuyên cập nhật thông tin. Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của ATNĐ, tùy tình hình để chủ động “cấm biển”.

Theo nhận định, lượng mưa tại các tỉnh, TP khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ thời gian tới sẽ lớn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các bộ ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân và khách du lịch để chủ động phòng, tránh, nhất là tại các khu vực ngập lụt đô thị, vùng trũng thấp ven biển, sông, suối và đặc biệt lũ quét, sạt lở đất các tỉnh miền núi; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men theo phương châm “4 tại chỗ”.

Khẩn trương rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng xử lý trọng điểm xung yếu về hồ đập; khẩn trương hoàn thành hoặc có phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công.

Cùng với đó, cần kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn…

Vẫn chưa tìm thấy 9 thuyền viên mất tích

Theo đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), đến sáng 2-7, các lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy 9 thuyền viên tàu NA95899 bị chìm vào ngày 28-6. Đối với tàu NA90999 bị gãy bánh lái, dự kiến sẽ được lai dắt về cảng Lạch Quèn trong ngày.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm