Sau trận sốt năm sáu tuổi, do dùng thuốc kháng sinh quá liều, cô bé Dương Phương Hạnh đã bị mất thính lực nhưng lại không thể nghe bằng máy trợ thính. Gần 40 năm qua, cô đã làm những điều mà một người nghe bình thường cũng khó lòng thực hiện được: lấy bằng kỹ sư hóa, nói chuyện trước đám đông, viết sách cho cộng đồng người khiếm thính và làm việc như một nhân viên xã hội với người khiếm thính.
Làm được mọi việc, trừ… NGHE
Từ nhỏ, cô bé Phương Hạnh đã có nghị lực vươn lên trước hoàn cảnh khuyết tật. Cô học tập và lớn lên trong một thế giới của những người nghe bình thường và cố gắng theo kịp họ. Vì chỉ có thể “nghe” bằng cách đọc tín hiệu môi của giáo viên nên những lúc khuất tầm nhìn, cô bé Phương Hạnh không thể biết thầy cô đang nói gì. Suốt những năm đi học là quá trình tự học của Phương Hạnh, cô học từ người chị cùng lớp của mình, từ người bạn thân… Gia đình của cô luôn giúp cô phát âm đúng, cha mẹ cô đã chỉnh sửa mỗi lần cô nói không tròn vành, rõ chữ. Phương Hạnh nói đi nói lại một từ cho đến lúc cha mẹ cô gật đầu mới thôi. Phương Hạnh nói tốt khiến mọi người xung quanh không hề phát hiện ra cô là người khiếm thính. Khi học đại học năm thứ hai, trong buổi học tiếng Anh, giáo viên chỉ định cho mỗi sinh viên đọc một đoạn trong bài. Đến phiên Phương Hạnh, cô không thể biết được người trước đã đọc tới đoạn nào. Giáo viên không tin vì theo cô giáo: “Không nghe làm sao học được?”. Sau khi tốt nghiệp đại học, Phương Hạnh đã tự học tiếng Anh đủ để làm công việc dịch thuật cho công ty hóa dầu, sau đó là công ty tư vấn du học. Trước đó cô đã thử sức tại phòng thí nghiệm như một kỹ sư hóa. Cuối cùng, cô lựa chọn làm việc với người khiếm thính tại Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD).
Dương Phương Hạnh không ngừng học hỏi trong thời gian làm việc tại DRD, cô ghi chép lại những câu nói hay, những lời đối đáp, ứng xử thông minh, tinh tế rồi học thuộc. Nhờ đó, Phương Hạnh tự tin nói chuyện trước đám đông một cách duyên dáng, thông minh. Cô thường dẫn chương trình trong các hội thảo về các vấn đề của người khiếm thính. Cũng trong thời gian này, Phương Hạnh liên lạc với nhiều tổ chức khiếm thính quốc tế và viết bài cho các báo điện tử của những hiệp hội này.
Dương Phương Hạnh (bìa trái) cùng học với người khiếm thính. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đây là khoảng thời gian Phương Hạnh vui vẻ, hạnh phúc nhất. Một ngày làm việc của cô bắt đầu lúc 4 giờ sáng, ngồi vào bàn viết sách. 7 giờ, cô đến chỗ làm tham vấn qua email, tiếp thân chủ… Buổi tối, cô lại ngồi vào bàn làm việc đến 11 giờ đêm.
Sống trong thế giới không thanh âm của tiếng nói nhưng Phương Hạnh thuộc nhiều bài hát, cô có thể khe khẽ ca một số bài hát yêu thích: Ca dao em và tôi, Quỳnh hương… “Tôi loáng thoáng nghe được giai điệu, thấy thích rồi nhìn tín hiệu môi của ca sĩ để “nghe” được ca từ bài hát” - Phương Hạnh mỉm cười, giải thích.
Ảnh hưởng đến cộng đồng người khiếm thính
Một lý do khiến Phương Hạnh muốn gắn bó với người khiếm thính vì cô đồng cảm sâu sắc để có thể giao tiếp tốt với họ. Cô cũng có kinh nghiệm làm việc với người nghe bình thường để chia sẻ kinh nghiệm cho người khiếm thính.
Cô nói được, đọc được tín hiệu môi nhưng khả năng này chỉ dùng khi giao tiếp với người nghe bình thường. Những người khiếm thính thường không thể giao tiếp bằng cách này. Cô phải đóng vai một người không biết tín hiệu môi, không nói được để hoạt động cùng người khiếm thính. Thử thách của cô lúc này là phải học ngôn ngữ ký hiệu. Song song dùng ngôn ngữ ký hiệu, Phương Hạnh cũng cố gắng hướng dẫn người khiếm thính cách đọc tín hiệu môi và nói nhưng nhiều người không chịu học vì nghĩ họ không thể làm được. Chỉ đến khi những người khiếm thính nhìn thấy Phương Hạnh dẫn chương trình lưu loát tại các hội thảo lớn thì họ mới có niềm tin và quyết tâm tập nói. Những phụ huynh có con khiếm thính tìm đến Phương Hạnh như một cứu tinh. Cô nói với họ: “Đứa bé không nghe được là chuyện đã rồi. Anh chị nên đón nhận hạnh phúc vì mình đã có một đứa con”. Sau khi tiếp xúc với cô, phụ huynh vui vẻ hơn vì nhìn thấy tương lai tươi sáng của con họ trong hình ảnh của Phương Hạnh.
Lúc nhỏ, Phương Hạnh có ý thức “sống vững chãi để ba mẹ yên tâm” thì nay cô không chỉ sống cho bản thân, cho gia đình mà còn sống cho cộng đồng người khiếm thính. Phương Hạnh không ngại thể hiện mình để gây ảnh hưởng tốt đến cộng đồng người khiếm thính.
Hỏi cô có bị áp lực khi luôn phải làm tấm gương sáng cho người khiếm thính nhìn vào, Phương Hạnh xua tay, cười hồn hậu: “Mình sống rất thoải mái. Chỉ làm những gì trong khả năng của mình, không hề giấu dở, mình cũng có điểm dở chứ”.
Không khoa trương, không gắng gượng, người phụ nữ giàu nghị lực sống hồn nhiên, làm việc hết mình vì một tương lai tốt đẹp cho cộng đồng người khiếm thính.
Cuốn sách từ trái tim Dương Phương Hạnh vừa xuất bản tập sách Thế giới người khiếm thính (NXB Thanh niên). “Gặp thân chủ nhiều lần, mình đều tham vấn cùng một nội dung về những vấn đề của người khiếm thính. Mình chợt nghĩ viết ra sách đi, để nhiều người cùng đọc, cũng như mình tham vấn được cho nhiều người” - Phương Hạnh chia sẻ mục đích thiết thực của công việc viết sách. Cô cho biết sẽ tiếp tục viết những tập sách tương tự. “Hiện giờ, trong đầu tôi chứa 10 quyển sách dành cho người khiếm thính” - tác giả khẳng định. Tập sách Thế giới người khiếm thính mang kinh nghiệm cô đã trải qua. Nó cũng là một cẩm nang của người khiếm thính: về nghị lực sống và phấn đấu, kỹ năng giao tiếp, nghề nghiệp…Trên hết, cuốn sách giúp người đọc cái nhìn sâu sắc và nhân văn về người khiếm thính, từ đó lắng nghe, chia sẻ với họ, giúp họ hòa nhập với cộng đồng. Làm thế nào để giao tiếp với người khiếm thính? Trước hết, hãy xem người khiếm thính đó giao tiếp như thế nào. Nếu họ hỏi bạn bằng lời nói, chắc chắn rằng họ sẽ cần nghe bằng đọc tín hiệu môi khi bạn trả lời. - Hãy nhìn thẳng vào người khiếm thính, nếu nhìn sang chỗ khác thì người khiếm thính sẽ không thấy môi của bạn. - Nói rõ ràng, chậm rãi. - Đừng hét to. - Bảo đảm rằng phía sau lưng bạn không có ánh đèn sáng chói có thể làm cho người khiếm thính khó nhìn thấy khuôn mặt của bạn. - Nên nói cả câu hơn là trả lời từng từ một - 70% việc đọc tín hiệu môi là đoán và nhiều từ trông rất giống nhau. Nói cả câu giúp đoán được nội dung. - Hãy kiên nhẫn, nếu được yêu cầu lặp lại, hãy cố gắng chuyển giọng một cách nhẹ nhàng, điều này giúp người khiếm thính hiểu dễ dàng hơn. - Nếu người khiếm thính vẫn chưa hiểu, đừng bỏ cuộc, hãy viết ra giấy. Với người điếc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, họ vẫn có thể muốn nghe bằng đọc tín hiệu môi. Đáng buồn là có rất ít người nghe biết ngôn ngữ ký hiệu và người điếc lại quen với cách cố gắng giao tiếp với người nghe. Ngoài những vấn đề trên, cần lưu ý thêm: - Hãy cố gắng sử dụng bảng chữ cái ngôn ngữ ký hiệu đánh vần bằng tay bất cứ tên gọi hay những từ không thông thường nào. - Sử dụng ngôn ngữ cử chỉ giải thích điều bạn muốn nói. Ví dụ, dùng bàn tay thể hiện kích thước và hình dạng hoặc thể hiện chiều hướng bằng cách chỉ có thể rất hữu dụng. - Sử dụng nét mặt để diễn tả nội dung. Trích dịch từ Internet Dương Phương Hạnh Chủ tịch Câu lạc bộ Khiếm thính TP.HCM |
TRÀ GIANG