Đường vào nhà đi cua, đi quẹo...

Theo thỏa thuận, bên bán dành cho bên mua một lối đi có chiều rộng hai mét. Vài năm sau, ông T. xây dựng nhà, trùm lên cả lối ra vào của nhà ông Giảng. Để giải quyết sự cố, mẹ ông T. dành cho nhà ông Giảng một lối đi khác bọc quanh căn nhà mà con trai bà đã xây. Lối đi này có hình chữ L.

Khổ một nỗi, lối đi mới này lại nằm trên phần đất mà gia đình ông T. đã đem thế chấp cho người khác. Năm 2003, UBND TP.HCM ra quyết định cho phép người nhận thế chấp được quyền sử dụng phần đất trên, có chừa ra chiều rộng hai mét, chiều dài gần 35 mét để làm lối đi công cộng cho các hộ cư ngụ phía sau.

Đến năm 2005, UBND TP.HCM lại ra quyết định mới để điều chỉnh quyết định cũ. Theo đó, phần đất chữ L có chiều ngang hai mét, chiều dài gần 32 mét là lối đi chung cho ba hộ dân, trong đó có hộ ông Giảng. Theo UBND TP, nếu buộc người nhận thế chấp chừa lối đi hai mét chiều ngang thì không hợp lý nhưng nếu lối đi chỉ rộng một mét thì sẽ gây khó khăn cho các hộ, không bảo đảm mỹ quan. Vì thế, lối đi sẽ bao gồm một mét bên phần đất của người nhận thế chấp và một mét thuộc phần đất của ông T. Bởi bên chuyển nhượng đất phải có trách nhiệm tạo lối đi cho bên nhận chuyển nhượng.

Như vậy, ông T. phải tháo dỡ căn nhà đã xây theo hướng lùi vào một mét cho hết chiều dài căn nhà. Tháng 8-2005, UBND huyện Bình Chánh họp bàn việc thực hiện quyết định trên. Giữa năm 2006, UBND huyện Bình Chánh ra quyết định cưỡng chế nhưng đến nay tất cả vẫn còn... nằm trên giấy!

Hiện tại, lối ra vào nhà ông Giảng không những cua quẹo mà còn rất hẹp. Trời mưa, nước chảy vào nhà ông ngập lênh láng nhưng ông không thể sửa chữa vì lối đi hẹp, rất khó vận chuyển vật liệu xây dựng. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Tươi, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, khẳng định: “Quyết định nêu trên của UBND TP.HCM phải được thi hành. Chúng tôi đang chờ thẩm định thiết kế, tính lại chi phí hợp lý để cưỡng chế tháo dỡ nhà của ông T.”.

THỤY CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm