Giá kim loại quý trên thị trường thế giới tăng trở lại kéo theo giá vàng trong nước lấy lại sắc xanh. Tuy nhiên, do thị trường khá ế ẩm nên các tiệm vàng lớn, nhỏ đồng loạt điều chỉnh tăng giá mua vào, trong khi giá bán ra chỉ tăng rất ít, thậm chí có đơn vị lại giảm giá bán vàng SJC so với với chiều qua.
Cụ thể, tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng miếng ở chiều mua vào tăng 100.000 đồng/lượng so với chiều qua, trong khi giá bán ra chỉ tăng 50.000 đồng/lượng, niêm yết giá mua – bán ở mức 55,8 – 56,25 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty vàng bạc đá quý DOJI tăng giá mua vào đối với vàng miếng SJC thêm 150.000 đồng/lượng nhưng ở chiều bán ra chỉ nhích nhẹ 30.000 đồng/lượng, công bố giá mua bán hiên ở mức 55,9 – 56,2 triệu đồng/lượng.
Ở chiều ngược lại, vàng miếng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý PNJ niêm yết ở mức 55,85 – 56,2 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với giá đóng cửa chiều qua.
Trong khi chênh lệch giá mua bán vàng miếng SJC chỉ từ 250.000 -450.000 đồng/lượng, thì khoảng cách giữa 2 chiều mua và bán của vàng nữ trang 24K, vàng nhẫn tròn trơn lại vênh cao hơn hẳn, từ 500.000 – 700.000 đồng/lượng, giá mua bán phổ biến ở mức 53,4 – 54 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lại một lần nữa vượt qua ngưỡng kháng cự quan trọng 1.900 USD, giao dịch ở mức 1.910 USD/ounce, tăng khoảng 20 USD/ounce so với phiên hôm qua, tương đương tăng khoảng 560.000 đồng/lượng.
Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới hiện tương đương khoảng 53,55 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng miếng SJC khoảng 2,8 triệu đồng/lượng.
Mặc dù giá vàng thế giới lấy lại mốc 1.900 USD/ounce, nhưng một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Cả thị trường vàng và chứng khoán đều đang trong tình trạng bán tháo do nhà đầu tư đang tiếp tục tích lũy tiền mặt để chủ động hơn khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc.
Hiện tại, các chỉ số chứng khoán khu vực châu Âu và châu Á vẫn đang sụt giảm theo đà giảm của các chỉ số chứng khoán Mỹ.