Escap cảnh báo: Nguy cơ nghèo đói gia tăng ở Việt Nam

Sáng 10-5, Ủy ban Kinh tế-Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc (ESCAP) đã công bố trên toàn cầu ấn phẩm quan trọng hàng đầu của họ: Điều tra kinh tế-xã hội khu vực năm 2012. Tại Việt Nam, cán bộ của ESCAP Bangkok là TS Shuvojit Banerjee và TS Phạm Lan Hương, Trưởng ban Chính sách Kinh tế Vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đã có bài thuyết trình về bản điều tra này.

Có vẻ như DN đã chết rất nhiều

Phần báo cáo về Việt Nam có một số điểm nổi bật như: Lạm phát hai chữ số là mối quan ngại hàng đầu trong năm 2011 với đỉnh điểm 23% trong tháng 8, giảm xuống 14,1% tính đến tháng 3-2012 và có chiều hướng giảm xuống mức một chữ số vào nửa cuối năm nay; thâm hụt ngân sách thu hẹp xuống còn 4% GDP trong năm 2011; thâm hụt thương mại giảm còn 3,8% cùng năm…

Mặc dù vậy, diễn giải của TS Banerjee và TS Phạm Lan Hương cho thấy tình hình kinh tế không mấy sáng sủa. Bà Hương nhận định: “Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 và tháng 4 giảm, có vẻ là một điều lạ lùng và khiến nhiều người mừng vui. Nhưng một số nhà kinh tế quan ngại, cho rằng CPI giảm nhanh như vậy mặc dù giá của một số loại nguyên vật liệu đầu vào chính vẫn tăng cho thấy có lẽ DN đã… chết gần hết rồi, chết rất nhiều, nếu không ứng cứu nhanh thì chết hết”.

Escap cảnh báo: Nguy cơ nghèo đói gia tăng ở Việt Nam ảnh 1

Ánh mắt đăm chiêu nhìn vào cuộc sống trước mắt của bé gái lượm rác trên đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: HTD

Chi tiêu của Chính phủ tăng

Về tình hình thâm hụt ngân sách, TS Hương cho biết các năm trước, bội chi ngân sách luôn lớn hơn 5%, chẳng hạn như năm 2010 là 6,6%, nhất là năm 2009 lên tới 9,3% (do Chính phủ thực hiện chính sách kích cầu). So với những mức này, năm 2011, tình hình chi ngân sách của Việt Nam đã được cải thiện, thâm hụt chỉ còn 4%. Nhưng đó lại là do có được nguồn thu lớn từ xuất khẩu dầu thô, trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng lên.

Bên cạnh đó, báo cáo của ESCAP cho rằng “sự gia tăng chi tiêu của Chính phủ không phù hợp với cam kết trong Nghị quyết 11 về cắt giảm 80.000 tỉ đồng (khoảng 3,2% GDP) chi tiêu đầu tư công thông qua việc hủy bỏ các dự án không hiệu quả và hoãn các dự án chưa cấp thiết”.

Tương tự, thâm hụt thương mại của Việt Nam xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua: 3,8% trong năm 2011, theo báo cáo của ESCAP là do kim ngạch xuất khẩu dệt may và dầu thô tăng mạnh. Tuy nhiên, TS Hương bổ sung: “Thâm hụt thương mại giảm là do nhập khẩu giảm. Xuất khẩu cũng giảm nhưng nhập khẩu còn giảm nhanh hơn xuất khẩu. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa sản xuất được đầu vào nguyên vật liệu cho nhiều ngành hàng xuất khẩu. Chính vì thế, thâm hụt thương mại thấp nhất lại không phải dấu hiệu đáng mừng, mà nó chỉ chứng tỏ tăng trưởng rất chậm”.

Nghèo đói gia tăng sau đỉnh điểm lạm phát

Đầu tư trực tiếp và gián tiếp đều giảm (còn 11,6 tỉ USD và 1,4 tỉ USD trong năm 2011). Báo cáo còn cho rằng “có một số bằng chứng cho thấy nghèo đói đã gia tăng sau lần lạm phát đỉnh điểm vào năm 2008” và với sự trở lại của lạm phát hai chữ số trong năm 2011, những người nghèo nhất tiếp tục chịu ảnh hưởng xấu của tình trạng trượt giá thực phẩm. Nguy cơ nghèo đói gia tăng, nhất là khi người nghèo ở nông thôn phải chi 70%-80% thu nhập cho thực phẩm (ESCAP trích dẫn số liệu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương).

Theo TS Banerjee, thách thức đối với khu vực, gồm cả Việt Nam, trong tương lai là tăng cầu, nghĩa là tăng đầu tư và tiêu dùng trong nước, để hỗ trợ tăng trưởng. Riêng với Việt Nam, điều này được cụ thể hóa thành các chính sách: Đa dạng hóa nền kinh tế để tạo thêm việc làm và tăng tiêu dùng; tăng lương theo kịp với tăng năng suất; và tăng năng suất nông nghiệp để có thể giảm giá lương thực cho người dân.

HOÀNG THƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm