EU ứng phó với lệnh áp thuế của ông Trump

Cuối tuần trước, những lãnh đạo cao cấp nhất của EU, bao gồm nữ Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm và thống nhất rằng “EU đã chuẩn bị” cho một kịch bản phòng vệ, thậm chí là trả đũa nếu lệnh áp thuế của ông Trump có hiệu lực.

Chính sách thương mại thiếu chắc chắn của ông Trump

John Cassidy mới đây có bài xã luận “Chính sách thương mại của ông Trump là gì: Không ai hiểu được”. Cây bút kỳ cựu của The New Yorker ám chỉ rằng các đối tác kinh tế của Mỹ, bao gồm cả Liên minh châu Âu cũng không thể xác định rõ ràng liệu ông Trump đang theo đuổi một cuộc chiến tranh thương mại hay chỉ đơn thuần theo đuổi các “đòn gió” với các tuyên bố nặng tính bảo hộ nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, John Cassidy thiên về giả thuyết thứ hai, tức ông Trump chỉ đang thổi phồng nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại với các đối tác, hơn là sẽ thực hiện nó.

Không chỉ John Cassidy, giới quan sát chính sách kinh tế Mỹ nhìn chung đều dự đoán rằng ông Trump đang cố gắng “làm trò”. Nhưng điều đáng ngại là không ai dám chắc chắn rằng giới hạn giữa “đòn gió” và “đòn thật” mà ông Trump tạo ra là bao xa. Chad Bown, chuyên gia cao cấp thuộc Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, nhận xét: “Những gì ông Trump đang làm chính là biến chính sách thương mại trở nên thiếu chắc chắn. Không ai biết được mỗi ngày trôi qua, chính sách thương mại của ông ấy sẽ đi về đâu”.

Thủ tướng Merkel và Tổng thống Pháp Macron được kỳ vọng sẽ trở thành “cặp đôi hoàn hảo” giúp EU đa dạng hóa đối tác kinh tế. Ảnh: REUTERS

Trong khi chính sách thương mại Mỹ không rõ ràng và thiếu chắc chắn thì hơn bao giờ hết các giải pháp đối đầu với Mỹ của EU đang khá mạch lạc, khẳng định “không chấp nhận yêu cầu của ông Trump” và sẵn sàng dấn thân vào cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, trong dài hạn thì các biện pháp “phòng thủ” hay “trả đũa” của EU với Mỹ dù đồ sộ đến mấy cũng không bằng một bộ giải pháp sống chung với sự thiếu chắc chắn của chính sách thương mại Mỹ kéo dài.

EU có đủ năng lực, uy tín để đa dạng hóa đối tác kinh tế. Nhưng quá trình này cần thời gian để xác định “đối tượng” và “đối sách”. Đồng thời, EU có thể gặp những tổn thương khả dĩ trong ngắn hạn. Tổn thương đầu tiên là khi “quả bom” chiến tranh thương mại với Mỹ đang treo lơ lửng, dù không phát nổ cũng tạo ra tâm lý bất an cho thị trường. Các lãnh đạo EU đã kêu gọi Mỹ loại bỏ EU khỏi danh sách sẽ bị đánh thuế, điển hình là nhôm, thép vĩnh viễn để tạo sự an tâm cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nhưng không có nhiều lạc quan bởi nhiều khả năng Mỹ sẽ kéo dài tình trạng “không chắc chắn” của đạo luật đánh thuế hàng hóa EU trong vài tháng tới. Ngoài ra, nếu cuộc chiến thương mại với Mỹ xảy ra thì EU không tránh khỏi những khủng hoảng cục bộ.

Thủ tướng Đức Merkel tại Hội nghị G7 giữa năm 2017 nhấn mạnh rằng EU không thể tiếp tục dựa dẫm vào Anh hay Mỹ, các nước EU phải chiến đấu vì tương lai của chính mình. Các nhà lãnh đạo EU khác, trong đó có Tổng thống Pháp Macron cũng cùng quan điểm. Đó là lý do dù chưa có tuyên bố chính thức nào được đưa ra, cụm từ “xoay trục châu Á”, vốn mang thương hiệu của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, nay tỏ ra lợi thế trong chính sách của EU.

Xoay về ai và như thế nào?

Trung Quốc (TQ) phải là cái tên đầu tiên trên bàn nghị sự của EU. Phải khẳng định TQ đang cố tạo ra sự “huyễn hoặc” mạnh mẽ về tính lạc quan và hứa hẹn đối với các nhà đầu tư EU trong vai trò là một thị trường xuất nhập khẩu béo bở, ngày càng được cởi trói qua các tuyên bố “bày tỏ” thái độ cam kết cải cách thị trường của Chủ tịch Tập Cận Bình. Đó là chưa kể đến sức nóng của các thể chế hợp tác đa phương, trong đó có “Một vành đai - một con đường”. Nhưng chắc chắn EU sẽ phải thận trọng trong việc hợp tác có khả năng tạo ra nhiều “tai tiếng” với TQ, đặc biệt liên quan đến vấn đề công bằng đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, vấn đề quyền người lao động; và trách nhiệm quốc tế của TQ trong giải quyết vấn đề an ninh hàng hải tại các khu vực tranh chấp mà điển hình nhất là khu vực biển Đông và biển Hoa Đông.

Đối tượng thứ hai EU cũng rất quan tâm chính là Ấn Độ, với kim ngạch xuất khẩu ở thị trường châu Á này đạt từ 24,2 tỉ euro vào năm 2006 lên mức 37,8 tỉ euro vào năm 2016. Tại hội nghị thượng đỉnh EU-Ấn Độ lần thứ 14 hồi tháng 8-2017, EU và Ấn Độ đã nhất trí thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược, tìm kiếm các giải pháp xóa bỏ những rào cản đối với thỏa thuận thương mại tự do Ấn Độ-EU, vốn bị đình trệ lâu nay.

ASEAN là đối tác thứ ba EU sẽ phải rất quan tâm nhờ vào những cam kết hòa bình và cơ chế hội nhập khu vực có nhiều tương đồng với EU. Sau sự kiện Brexit, EU tiến hành ký kết một loạt thỏa thuận thương mại đầy tham vọng với các đối tác chính trong ASEAN, bao gồm Singapore và Việt Nam. Một thành tựu nổi bật chính là EU tăng gấp đôi quỹ hợp tác phát triển hỗ trợ hội nhập ASEAN và hơn 2 tỉ euro trong hợp tác song phương với ASEAN.

Đối tác quan trọng tiếp đến là Nhật Bản, khi cả hai trong năm ngoái đạt thỏa thuận về những thành phần chính của Hiệp định Đối tác kinh tế EU-Nhật Bản. Theo đánh giá của giới quan sát thì đây là một hiệp định thương mại song phương quan trọng nhất mà EU từng đạt được thỏa thuận và đây cũng là lần đầu tiên một hiệp định bao hàm cả một cam kết cụ thể đối với Thỏa thuận khí hậu Paris.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm