Do đó, khi tới Maroc, những gì tôi thấy ở Casablanca và Rabat thực sự làm tôi hết sức bất ngờ: Họ tiến bộ hơn mình nhiều.
Cao tốc uốn lượn qua những đồi đất trắng của vùng sa mạc rộng lớn. Trên xe, ngoài anh bạn nhà báo của tờ Libération Maroc cầm lái, còn cô bạn Rose Sow người Sénégal. Da cô đen thẫm nhưng có duyên ngầm, hoạt bát và tướng tá như đàn ông, nhanh nhẹn, cao hơn tôi môt cái đầu.
Chúng tôi cùng làm việc với nhau từ 2006-2011 qua các nước Maroc, Bénin, Togo, Campuchia, Mauritius. Sau đó cô kiên quyết rời Pháp, rời Tổ chức Báo chí Pháp ngữ để trở về làm việc tại quê nhà. Tôi nhớ Sow nhiều, cô luôn chăm sóc giúp đỡ tôi trong những chuyến đi đến châu Phi xa xôi lạ lẫm. Cũng nhờ cô mà sau mỗi lần làm việc tôi lại có một chuyến du lịch hoành tráng đến những địa danh văn hóa nổi tiếng của các nước châu Phi. Chính Rose “gạ” tay nhà báo trẻ đẹp trai Maroc chở tôi và cô hôm nay đến Fès.
Đường cao tốc A2 dẫn đến Fès. Ảnh: THẨM TUYÊN
Sau ba tiếng, chúng tôi tới nơi. Anh bạn chở chúng tôi ngay đến thành cổ Médina và bảo chúng tôi đứng chờ một chút để vào một văn phòng nào đó.
Lát sau anh trở ra với hai người và từ đó đến trưa hai nhân viên gạc-đờ-co đó theo suốt để bảo vệ chúng tôi thật kỹ. Khi Rose vào đền thờ Hồi giáo làm lễ, tôi ở bên ngoài chờ, hễ tôi đứng phía bên này thì anh bảo vệ được phân công theo riêng tôi băng qua phía đối diện để trông chừng tôi. Tôi băng qua phía bên kia thì anh băng ngược lại, tay lúc nào cũng chắp trước bụng. Thử nhiều lần đều như thế, anh chỉ nói tiếng Ả rập nên tôi không hỏi chuyện được.
Fès sở hữu đô thị cổ (Médina) theo nhiều tài liệu là lớn nhất thế giới. Médina Fès bao bọc bởi tường thành với 11 cổng vào, mỗi cổng nhìn ra một khu phố. Médina rước mỗi năm khoảng 1 triệu du khách đến thăm. Từ khi xây dựng - năm 759 và từ thế kỷ 12 đến nay không thay đổi, được bảo tồn nguyên vẹn. Người dân vẫn sinh hoạt bình thường, thậm chí có những người già cả đời chưa bước ra khỏi nơi đây.
Cổng Bab Boujloud 800 tuổi, là cổng đẹp nhất trong 11 cổng của Médina de Fès. Ảnh: THẨM TUYÊN
Cổng thành mà chúng tôi vào - Porte Bab Boujloud 800 năm tuổi là cổng đẹp nhất hinh vuông với tường chạm gạch mosaïque li ti nhiều màu sắc cực ký tinh xảo. Một cổng chính ở giữa với mái vòm tròn và hai cổng phụ hai bên. Bảng cấm xe đậu dựng ngay cổng. Cảnh buôn bán tấp nập nhìn như cảnh cửa chợ Bến Thành ở TP.HCM.
Anh bạn và Rose dẫn đường, qua nhiều mái vòm, nhiều con hẻm nhỏ, lại qua nhiều khu buôn bán (chủ yếu hàng da) rồi đến hàng lưu niệm, các khu bán thảm đẹp như thảm Ba Tư trong sách. Cuối cùng chúng tôi đến đền thờ.
Trong lúc Rose vào cầu nguyện, tôi ngắm phố phường, lừa chở hàng, lừa chở da thuộc đi nghênh ngang trong phố nhỏ. Những người già quấn khăn trắng che kín tóc, râu dài tới rốn, da sẫm màu. Đang ngắm người ngắm cảnh vu vơ, tôi chợt nghe tiếng học trò đồng thanh tập đọc, liền lân la đến, một lớp mẫu giáo dưới tầng hầm một căn nhà, đèn sáng, lũ trẻ tươm tất, cô giáo thật đẹp thẹn thùng.
Lớp học mẫu giáo trong lòng phố cổ. Ảnh: THẨM TUYÊN
Đền thờ mà Rose vào là Médersa Bou Inania, một loại trường học giáo lý của Hồi giáo và ngày thứ sáu trở thành nhà thờ. Lối vào chính dẫn đến một sân rộng ở giữa, hai bên là hành lang nhỏ. Cuối sân là nhà cầu nguyện. Tôi chỉ được ngắm nhìn sân lót gạch bông đen trắng thành hàng chéo, các bức tường được chạm trỗ tinh tế với gạch nâu xám và mosaïque tươi màu, nhiều mái vòm tròn đá và vòm điêu khắc gỗ. Sự tỉ mỉ trong chi tiết là một đặc trưng của nghệ thuật trang trí Hồi giáo.
Gần một tiếng đồng hồ cầu nguyện, Rose và anh nhà báo ra, chúng tôi tìm đến một nhà hàng dùng bữa trưa. Chi tiết bữa ăn không còn nhớ rõ, chỉ biết là tôi ăn rất ít, thậm chí qua loa vì thời điểm này tôi chưa quen hương vị thức ăn Ả Rập. Cái nhớ nhất là thư viện gia đình và những bức tường gạch mosaique xanh đại dương mướt mắt. Sau này tôi mới biết đó là nhà hàng gia đình nổi tiếng thế giới Riad mà phong cách nấu được xếp hạng tiêu biểu cho thế giới ẩm thực Ả rập.
Vài năm sau, qua nhiều nước châu Phi nữa như Togo, Bénin, Tunisie, Gabon và một số nước Trung Cận Đông khác như Liban, tôi dần quen và thưởng thức được khẩu vị mà tôi hay gọi là "khẩu vị Hồi giáo". Duy có món cừu đặc sản do chủ báo Libération đãi đêm đầu tiên mới đến Maroc, ở thủ đô Rabat thì tôi chịu.
Đó làbBuổi tiệc diễn ra ở khách sạn Park Hyatt, thực khách ngồi trên bồ đoàn xếp bằng, một con cừu sống nằm rên băng-ca được hai người khiên ra lần lượt đến chào từng thực khách. Mỗi khách, trong đó có tôi, phải nhìn và gật đầu như thử rượu thì người phục vụ mới khiêng đi. Cuối cùng, đem vào trong nướng rồi bày nguyên con trên bàn, khách tự dùng dao nĩa cắt hoặc nhờ cô em Maroc nõn nà kế bên phục vụ. Tôi là viễn khách phương Đông, ngoài mấy miếng sườn còn được dành cho cả một cái đùi. Hôi ơi là hôi mà ráng nín thở nuốt không dám từ chối. Vừa nuốt vừa nghe 3 nhạc công biểu diễn nhạc sống với các nhạc cụ cổ truyền nên chẳng thưởng thức được gì. Giờ hối cũng muộn.
Một con hẻm nhỏ. Ảnh: THẨM TUYÊN
Chúng tôi tiếp tục dạo chơi trong phố cổ. Người Maroc hiền hòa, buôn bán có mời mọc nhưng không chèo kéo. Hỏi giá bên này rồi sang bên kia mua cũng không sao, không ai chửi mắng hay cằn nhằn.
Médina Fès rất phong phú về truyền thống và nghề thủ công, đặc biệt là nghề da thuộc. Hình như tôi còn được đưa đi xem xưởng thuộc da nổi tiếng Chouara với những hồ tròn chứa đây màu để tạo ra da màu các loại, thăm Bảo tàng nghệ thuật và nghề chế tạo, điêu khắc gỗ Nejjarîn.
Tôi mong có dịp trở lại Fès để tìm hiểu sâu hơn về thành phố bảo tàng di sản thế giới Médina Fes ra đời từ năm 759, Đại học lâu đời nhất thế giới còn hoạt động và cũng là di dản thế giới Al Quaraouiyine, khu vườn yên tĩnh của tre và chim Jnan Sbil với nhiều loại cây nhiệt đới đặc trưng khác, vô vàn lăng mộ, đền đài, bảo tàng ngàn năm có lẻ. Và ngủ trong phố cổ Médina de Fès một đêm.
Xứng đáng lắm chứ một cuộc trở lại vì Fès có rất nhiều danh hiệu: Athènes của châu Phi, Mecca ở phương Tây, Bagdad của Maghreb. Và chắc chắn đó là một nước văn minh, từ trong lịch sử ra ngoài cuộc sống thường nhật, từ trong nhà ra ngoài phố, hôm nay.