Nghe thông tin có Festival văn hoá truyền thống Việt Nam 2019 tổ chức tại khu di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội từ ngày 5/4 đến 9/4, tối ngày 6-4 tôi bèn rủ con gái lớp sáu và một người bạn nước ngoài mới sang Việt Nam du lịch đi dự.
Làm trong ngành du lịch, tôi luôn mong muốn và đề xuất các ban ngành và xã hội cần lưu giữ, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam hàng ngàn năm để giới thiệu cho du khách quốc tế. Nhưng cuộc sống hiện đại đã làm phai mờ nhiều giá trị truyền thống nên nhiều khi cũng khó giới thiệu cho du khách và cho thế hệ trẻ.
Vì vậy, tôi thầm nghĩ những sự kiện như Festival văn hoá truyền thống Việt Nam 2019 như thế này dù là phục dựng lại nhưng cũng là cơ hội tốt.
Đáng thất vọng
Thế nhưng, thay vì có thể giới thiệu và tự hào với người bạn nước ngoài, cũng như để con gái mình cảm nhận được về văn hoá truyền thống Việt Nam, với những gì diễn ra tại Festival văn hoá truyền thống Việt Nam 2019 tại Hoàng Thành Thăng Long mà tôi chứng kiến thật đáng thất vọng.
Ngoài cánh cổng mô hình ô quan chưởng và Hoàng Thành Thăng Long khá đẹp. Một vài khu tiểu cảnh có trang trí rơm rạ, hoa lá để phục vụ chị em chụp ảnh tự sướng; một khu nhà rơm có ông Đồ viết chữ và bày rối nước, một cái đu tre, một dãy tranh chẳng phải loại truyền thống…là tạm ổn.
Phần còn lại của Festival thật chẳng khác mấy một cái chợ. Trong hơn trăm gian hàng, theo tôi ước tính đến hơn ba phần tư các gian hàng là không liên quan gì đến văn hoá truyền thống.
Đó là gian hàng của các hãng ghế massage với các nhân viên chèo kéo mời khách vào ngồi dùng thử rồi tỉ tê giới thiệu bán hàng. Ở đầu khu gian hàng là cửa hàng bán đồ da phát loa ầm ĩ giới thiệu sản phẩm và mức giảm giá siêu khuyến mại. Ở giữa các gian hàng bán đồ quần áo hàng chợ treo biển: 5 cái quần lót (nữ) = 100k, sịp nam = 50k/c...
Đi sâu hơn là cửa hàng bán kính. Vắn khách nên nhân viên đang hát karaoke nhạc rên rỉ, cạnh đó là hàng bán đồ thông tắc vệ sinh, trong cùng là dãy hàng gia dụng đủ thứ đồng giá 39k/ món...
Thất vọng với các gian hàng trưng bày, tôi hướng con gái và anh bạn nước ngoài đi tới khu ẩm thực. Gì thì gì chứ ẩm thực Việt Nam thì quá tuyệt. Bao du khách nước ngoài hay cả tổng thống Mỹ đến Việt Nam cũng phải tấm tắc khen đồ ăn Việt ngon.
Cả hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều ở Hà Nội vừa qua, cả gần 3000 phóng viên nước ngoài cũng đã say mê với đồ ăn Việt được nước chủ nhà chiêu đãi miễn phí. Tưởng ẩm thực Việt sắp có cơ hội giới thiệu ra toàn cầu, khẳng định vị thế chẳng kém ẩm thực Nhật Hàn Thái Tàu.
Ấy vậy mà ở các gian hàng ẩm thực ở Festival văn hoá truyền thống Việt Nam chủ yếu bày bán nào là cơm Gimbap chiên, lẩu bò Kimchi Hàn Quốc, Shushi của Nhật, xúc xích Đức, khoai tây chiên... Tìm mãi chỉ thấy lác đác vài món quà quê như bánh tẻ, bánh đậu xanh còn có nét thuần Việt.
Thấy xa xa có gian hàng rất đông người, tưởng có đặc sản Việt gì ngon, hoá ra là gian hàng của hãng công nghệ chuyển phát đồ ăn Now đang có chương trình khuyến mại cho người cài đặt ứng dụng lần đầu sẽ được tặng một cốc trà sữa Đài Loan.
Cả khu vực ăn uống bàn ghế nhựa lộn xộn, đồ ăn thừa, giấy ăn vứt bừa bãi chưa ai kịp dọn trông thật nhếnh nhác.
Một trong các gian hàng tại Festival văn hóa truyền thống Việt Nam 2019
“Bố ơi, về thôi"
Tôi cũng cố tỏ ra vui vẻ nhưng niềm vui giả tạo đấy bị biến mất ngay khi con gái tôi vùng vằng “Bố ơi về thôi, con chẳng thấy ở chỗ này có gì hay cả mà bố cứ bắt con đi để học hỏi văn hoá truyền thống dân tộc”.
Tôi liếc sang người bạn nước ngoài và gặp ánh mắt ngạc nhiên. Thấy tôi bối rối, anh dường như hiểu tôi đang nghĩ gì nên an ủi: “Oh, Vietnamese traditional culture is so open”. “Ồ văn hoá truyền thống của Việt Nam rất là cởi mở”.
Chẳng biết là cởi mở hay là sự tuỳ tiện đến mức vô trách nhiệm đến phản văn hoá ở một lễ hội văn hoá truyền thống giữa hoàng thành Thăng Long - di sản văn hoá Unesco thế giới. Hơn nữa theo ban tổ chức, lễ hội này còn được tổ chức để kỷ niệm ngày sinh vua Lý Thái Tổ - vị vua dời đô về Hà Nội và cho xây dựng Hoàng Thành Thăng Long.
Thật may là tôi mới chỉ dẫn một người bạn nước ngoài chứ không phải dẫn cả một đoàn khách du lịch cả trăm người đến đây như lời kêu gọi về phát triển du lịch gắn với sự kiện văn hoá.
Tuy nhiên hàng ngày vẫn có trăm ngàn khách du lịch quốc tế đến Hoàng Thành. Không hiểu họ thấy cảnh này thì nghĩ gì về văn hoá truyền thống Việt Nam?
Theo tôi ban tổ chức có thể dỡ ngay cái biển treo “Festival văn hoá truyền thống Việt Nam 2019” thay vào đó là biển hiệu “Chợ và lẩu văn hoá tại Việt Nam 2019” hoặc theo Phó Tổng thư kí hiệp hội lữ hành Việt Nam nên gọi tên sự kiện này là “Hội chợ tiêu dùng Hà Nội mở rộng”.
Nếu làm kinh doanh, đừng lợi dụng văn hoá truyền thống để kiếm vài đồng tiền lẻ!
Trao đổi với PLO, bà Hồ Như Quỳnh, Trưởng ban tổ chức Festival thừa nhận, có một số gian hàng bày bán sản phẩm không giống với hợp đồng ký kết ban đầu. “Chúng tôi thừa nhận chưa có sự kiểm soát chưa chặt, có hiện tượng chủ các gian hàng đưa hàng vào không đúng cam kết. Khi biết được việc này, chúng tôi ngay lập tức phối hợp với các đơn vị liên quan di dời các gian hàng không phù hợp với văn hóa truyền thống. Hiện tại đã có sự chỉnh sửa các gian hàng trong Festival”, bà Quỳnh nói. Viết Thịnh |
Lễ khai mạc Festival văn hóa truyền thống Việt và giao lưu văn hóa quốc tế 2019 với chủ đề “Thăng Long bừng sáng” diễn ra tối 5/4 tại Khu di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long. Festival có sự tham gia của gần 300 doanh nghiệp đến từ 63 tỉnh, thành phố. Festival còn là nơi kết nối tinh hoa văn hóa Việt với bạn bè quốc tế, thể hiện ở các gian hàng trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm nhằm quảng bá hình ảnh và khẳng định hơn nữa sự phát triển của kinh tế Việt Nam, qua đó tạo cầu nối cho các doanh nghiệp tham gia giao thương. |