G7 đối mặt với quá nhiều khó khăn

Nhóm bảy nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự kiến nhóm họp vào ngày 8 và 9-6 tại Canada, sẽ tái khẳng định cam kết “bảo vệ các nền dân chủ”, chống lại những mối đe dọa từ bên ngoài và thiết lập một cơ chế phản ứng nhanh nhằm mục tiêu này. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo G7 đang đối diện quá nhiều khó khăn.

Những nhà lãnh đạo đến từ các nền kinh tế giàu có nhất thế giới sẽ cùng nhau thảo luận các giải pháp điều chỉnh nền kinh tế toàn cầu, giúp đỡ các quốc gia mà họ cho rằng đang bị bỏ lại phía sau, cùng chúc mừng vì các giá trị về dân chủ và cấp tiến.

Khó khăn để sắp xếp chương trình nghị sự

Hội nghị G7 lần này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế, chính trị thế giới đang rối ren mà giới quan sát cho rằng thật khó khăn để các quốc gia có thể sắp xếp các chương trình nghị sự. Nga vẫn chưa được mời quay lại Hội nghị G8 vì sự kiện sáp nhập Crimea hồi năm 2014; Mỹ hồi tuần trước đặt lệnh áp thuế với nhôm, thép lên các nước đồng minh kinh tế EU lẫn khối Hiệp định Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Đó là chưa kể đến đối đầu thương mại Mỹ-Trung Quốc chưa có lối thoát khiến không khí chiến tranh thương mại đang bao trùm khắp địa cầu.

Chuyên gia về các vấn đề toàn cầu của Reuters Peter Apps bình luận rằng cho đến trước giờ khai mạc, không rõ Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này sẽ đạt được những gì. Chương trình nghị sự mà Canada đưa ra tại G7 tập trung vào vấn đề mở rộng tăng trưởng kinh tế và quản lý biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những “quả bom” thương mại của Trump đổ lên EU, Mexico, Canada mới thật sự là những vấn đề chủ chốt.

Thực tế, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhóm G20 mới đích thị là những quốc gia có khả năng quyết định các vấn đề toàn cầu mặc dù G7 vẫn cho thấy vai trò đặc biệt của mình. Các nước G7 đối diện với một câu hỏi lớn, mang bản sắc hơn, theo Peter Apps, đó là các nước phương Tây dân chủ cùng đồng minh của họ (như Nhật Bản) thật sự muốn gì? Họ có thể làm gì cho thế giới và làm thế nào để họ có thể bảo vệ tất cả giá trị đó?

Những gì diễn ra trên thế giới hiện nay cho thấy một điều rõ ràng rằng cuộc khủng hoảng về niềm tin vào các thể chế dân chủ phương Tây. Sự thắng lợi của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa kinh tế dân tộc mà điển hình là sự nắm quyền của Tổng thống Donald Trump. Đó là chưa kể đến sự vươn lên mạnh mẽ đầy đe dọa của Trung Quốc bất chấp các luật chơi chung mà phương Tây đã lãnh đạo thế giới kiến thiết và xây dựng. Hậu quả là sự đồng thuận xây dựng một nền kinh tế toàn cầu hóa rộng lớn, một trong những mục tiêu mà G7 hay cả G20 theo đuổi dài hạn, đã bị hủy hoại nặng nề.

Lãnh đạo G7 vào cuộc gặp tại Ý. Ảnh: AP

Lo ngại chủ nghĩa dân túy trỗi dậy

 Vấn đề tiếp theo mà G7 cần phải thảo luận chính là việc đảm bảo công ăn việc làm và các tiêu chuẩn cơ bản của cuộc sống, gồm an sinh xã hội, sức khỏe hay giáo dục cho mọi người trong bối cảnh công nghệ cao đang có những phát triển vượt trội. Tình hình kinh tế khó khăn đã trì hoãn mức lương người lao động, trong khi nhu cầu về y tế và chăm sóc sức khỏe gia tăng khi dân số ngày càng già cỗi đã khiến các cam kết của các chính phủ ở phương Tây ngày càng trở nên lung lay hơn trước đây.

Thậm chí G7 sẽ còn phải lo ngại khi các nhà lãnh đạo dân túy thuộc nhóm cánh hữu cực đoan như Trump, thậm chí tại các quốc gia ôn hòa hơn như Pháp, Đức và một số nước EU, đang trỗi dậy mạnh mẽ. Ngay cả việc nước Anh rời khỏi EU sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 cho thấy phe cực hữu đang gia tăng sức mạnh không thể lường trước được và dự báo sẽ còn gia tăng nắm quyền tại quốc hội các nước như cách mà đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đã làm trong bầu cử 2017. Lãnh đạo Canada và Nhật Bản là hai trong các nước G7 không phải đối diện với làn sóng dân túy nghiêm trọng trong nước nhưng ở bình diện quốc tế mà thượng đỉnh G7 thảo luận, đây là vấn đề không của riêng đất nước nào.

Không thể phủ nhận rằng thật “không tưởng” khi nghĩ rằng G7 trong hai ngày thượng đỉnh có thể giải quyết các vấn đề mà gốc rễ đã ăn sâu vào lòng đất và lan tỏa khắp nhiều châu lục. Điều họ có thể làm, như Peter Apps nói, chính là phác thảo ra những câu chuyện mà thế giới phương Tây đang làm đúng. Thực tế, dù G7 có quá nhiều vấn đề nhưng đây vẫn là những quốc gia được đánh giá là tự do và dân chủ, quyền con người được bảo vệ tối đa với hệ thống mạng lưới an toàn và an sinh xã hội tốt nhất hành tinh. Nói nôm na, đây vẫn là những nơi lý tưởng để sống.

Dù vậy, khác với nhiều thập niên trước đây khi phương Tây được xem là mô hình chung của thế giới thì hiện nay các giá trị phương Tây theo đuổi đang bị xói mòn nghiêm trọng vì nhiều vấn đề đã nêu trên. Nếu G7 không sát cánh và không tìm cách giải quyết những bất cập thì trong thập niên tới họ sẽ hốt hoảng vì đã đánh mất quá nhiều thứ mà họ cất công xây dựng bấy lâu.

Cùng với thủ tướng Canada, chúng tôi đã thảo luận về một loạt vấn đề song phương cũng như về công tác chuẩn bị cho Hội nghị G7 lần này, vốn diễn ra trong một thời điểm khó khăn. Song đây cũng là dịp để chúng ta trao đổi ý kiến, đánh giá những vấn đề quan trọng, về chủ nghĩa đa phương kiểu mới, có thể là về kinh tế, địa chính trị, môi trường.

Tổng thống Pháp EMMANUEL MACRON

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm