Cuộc gặp giữa các nhà đàm phán kinh tế của Mỹ và Trung Quốc (TQ) lần thứ ba tại Bắc Kinh vào thứ Bảy và Chủ nhật tuần trước không mang lại kết quả lợi thế cho Mỹ, bất chấp Washington tung ra hàng loạt đe dọa đến Bắc Kinh ngay trước thềm cuộc gặp.
Mỹ bị TQ đe dọa ngược
Dẫn đầu đoàn đàm phán của Mỹ đến TQ lần này là Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross. Phía TQ vẫn rất tin tưởng vào tài thương thuyết của Phó Thủ tướng Lưu Hạc, một chuyên gia kinh tế gạo cội giúp TQ vững vàng trước Mỹ cho đến lúc này.
Không khác hai cuộc gặp hồi tháng trước, vòng đàm phán thứ ba giữa hai siêu cường kinh tế hàng đầu thế giới kết thúc bằng các tuyên bố chung chung và không có thông tin rõ ràng đáng kể. Tân Hoa Xã nói rằng cả Mỹ và TQ đã đạt được những bước phát triển mang tính “tích cực và cụ thể” nhưng không nói chi tiết về kết quả này. Tân Hoa Xã cũng tiết lộ Mỹ và TQ đã trao đổi về quan điểm hai bên đối với vấn đề giao thương nhằm thực hiện “sự đồng thuận” đạt được tại vòng đàm phán thứ hai ở Washington, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp.
Cụ thể, “đồng thuận Washington” cuối tháng trước nói rằng TQ cam kết sẽ gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ nhưng không nói rõ sẽ mua hàng hóa nào với số lượng bao nhiêu. Tuy nhiên, tham vọng cắt giảm 200 tỉ USD thâm hụt thương mại với TQ mà ông Trump tuyên bố bị đánh giá là bất khả thi; ngoài ra kế hoạch “Made in China 2025” được chính phủ “chống lưng” với mục tiêu đưa hàng TQ thống lĩnh thế giới, gồm một số ngành công nghiệp kỹ thuật cao như hàng không, vũ trụ, trí tuệ nhân tạo…, cũng được TQ giữ vững.
Trong tuyên bố của TQ hôm qua (3-6), Bắc Kinh nói rằng các thỏa thuận giữa Mỹ và TQ nên được xây dựng trên nền tảng cả hai bên cùng tiến về phía trước và không tiến hành bất kỳ một cuộc chiến tranh thương mại nào. Điều đáng chú ý nhất trong tuyên bố của Bắc Kinh chính là TQ đã “đe dọa ngược lại Mỹ” khi nước này khẳng định: “Nếu Mỹ tiến hành các biện pháp trừng phạt thương mại, bao gồm việc áp đặt các loại thuế quan thì tất cả lợi ích kinh tế và thương mại đã được thỏa thuận sẽ không có hiệu lực”. Ngoài ra, TQ còn bác bỏ các yêu cầu “mở cửa thị trường” của Trump, nói rằng: “Vấn đề cải cách kinh tế, mở cửa thị trường cũng như việc gia tăng chi tiêu nội địa thuộc về các chiến lược quốc gia của TQ và tiến độ cải cách đã được lên kế hoạch của chúng tôi sẽ không thay đổi”.
Đây là lời đáp trả của TQ trước những động thái đe dọa của Washington. Nhà Trắng hôm 29-5 bất ngờ tuyên bố sẽ tiếp tục kế hoạch đánh thuế hàng TQ, yêu cầu Bắc Kinh phải đối xử công bằng với doanh nghiệp nước ngoài theo cam kết mở cửa thị trường. Tuyên bố này đưa ra sau khi “cả hai bên đã thống nhất không có một cuộc chiến tranh thương mại nào xảy ra” tại vòng đàm phán thứ ba diễn ra hơn một tuần trước đó tại Mỹ.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải) và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross. Ảnh: REUTERS
Nhưng cứng rắn cưỡng ép đồng minh
Khi các cuộc đàm phán đi vào giai đoạn cuối, người đứng đầu phái đoàn Mỹ Wilbur Ross nói ngắn gọn trước báo chí “các cuộc gặp mặt đến lúc này diễn ra rất thân mật và thẳng thắn, nội dung tập trung vào một số chủ đề hữu ích gồm các mặt hàng xuất khẩu đặc biệt”. Tuy nhiên, sau khi vòng đàm phán kết thúc, phía Mỹ chưa đưa ra bình luận.
Trước các tuyên bố “vừa mềm, vừa rắn” của TQ ngay sau đàm phán và sự im lặng của Mỹ cho thấy khả năng cao đàm phán thương mại hai bên vẫn chưa đạt gì đáng kể. Còn nhớ ở vòng đàm phán thứ hai tại Mỹ, Nhà Trắng rất nhanh đưa ra bình luận và “kết quả đạt được”. TQ vẫn chưa có dấu hiệu (và cũng sẽ không) từ bỏ các lợi ích chiến lược, bao gồm kế hoạch “Made in China 2025” và cải cách mở cửa thị trường, dù rằng Mỹ rất lo ngại.
Trong khi bầu không khí giữa Wilbur Ross và Lưu Hạc khá êm đềm hơn dự báo thì bên kia bán cầu, hội nghị các bộ trưởng tài chính nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) tại Canada diễn ra với không khí căng thẳng. Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã bị các quốc gia đồng minh cô lập, bao gồm Anh, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản và Canada.
Sáu quốc gia ra thông cáo chung khẳng định quyết định đánh thuế nhôm, thép của họ do Nhà Trắng đưa ra hôm 30-5 sẽ “không có lợi ích gì mà còn phá hoại nền kinh tế của các quốc gia”. Mỹ bị lên án vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin không thể đưa ra các phản ứng duy lý trước sự đồng loạt tấn công của các đồng minh đang bức xúc vì lệnh đánh thuế của Trump.
Nhiều nghị sĩ phe “diều hâu” đã tỏ ra bất bình trước lệnh đánh thuế của Trump nhắm vào EU và khối Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Kinh (NAFTA), trong khi Nhà Trắng vẫn loay hoay thiếu hiệu quả trước TQ, đối tượng chính mà lẽ ra Mỹ phải điều chỉnh. So với EU hay NAFTA thì các chính sách kinh tế nặng tính bảo trợ chính phủ của TQ mới chính là mối đe dọa với giới doanh nghiệp và đầu tư Mỹ (lẫn các đồng minh như EU).
Khi không khí thù địch bao trùm các cuộc gặp giữa Washington và đồng minh thì bên kia địa cầu, Bắc Kinh vẫn không hề nao núng trước bất kỳ một nhà đàm phán nào của Mỹ.
“Bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước đề nghị bộ trưởng Tài chính Mỹ truyền đạt sự lo ngại và thất vọng chung của họ. Các bộ trưởng và thống đốc cũng nhất trí vấn đề sẽ được thảo luận tiếp tục tại Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới tại Charlevoix, nơi phải có được hành động mang tính quyết định” - thông cáo chung của sáu nước G7 hôm 1-6. |