Bóng đen chiến tranh thương mại đang bao phủ toàn cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy đông đảo giới doanh nghiệp và đầu tư quốc tế bước vào một cơn ác mộng khủng khiếp bằng các đạo luật đánh thuế hàng nhập khẩu, trước mắt là nhôm, thép và tiếp đến có thể là ô tô.
Mỹ “nổ súng loạn xạ” có trúng mục tiêu?
Các nhà chủ nghĩa hiện thực, những người luôn tin rằng không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là trường tồn đang thắng thế. Các nhà chủ nghĩa dân tộc kinh tế cũng hân hoan không kém. Bởi lẽ tất cả những gì đang diễn ra cho thấy những cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới đã sẵn sàng, hoặc bị buộc phải vào cuộc, cho một cuộc đối đầu mà các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới dường như không còn là vấn đề quan trọng nữa.
Mỹ đối đầu Liên minh châu Âu (EU), thách thức nền kinh tế thứ hai thế giới Trung Quốc (TQ), đe dọa các nước thuộc Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) gồm Canada và Mexico, tấn công luôn các đồng minh châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc v.v.
Hiếm khi nào người ta thấy được viễn cảnh bi quan và sự bế tắc của các cuộc đối thoại và đàm phán tầm cỡ: Từ đàm phán xoay vòng Mỹ-TQ; ngoại giao con thoi giữa Brussels và Washington về Iran và thuế nhôm, thép; đàm phán đa phương Bắc Mỹ; tới đây là hội nghị nhóm bảy nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7). Chỉ một khái niệm “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Trump đang làm đảo lộn mọi chương trình nghị sự một cách “vô tiền khoáng hậu”.
Chưa cần chiến tranh thương mại diễn ra, các thông báo của ông Trump trên mạng xã hội và báo chí cũng đủ làm nền kinh tế toàn cầu chao đảo. Cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu của các đồng minh kinh tế của Mỹ giảm mạnh. Tâm lý hoang mang và khả năng rút vốn ồ ạt là điều hoàn toàn có thể diễn ra, ngay cả với những người lạc quan nhất luôn tin rằng “ông Trump chỉ dọa thôi, sẽ không có chuyện đánh thật”. Dẫu vậy sau hơn một năm nhậm chức, ông Trump chưa bao giờ cho thấy sự chắc chắn và mạch lạc trong chính sách.
Tổng thống Trump đang làm đảo lộn cả thế giới. Ảnh: GETTY IMAGES
Tiếc thay, các “phát súng” của ông Trump đang “loạn xạ” thay vì đi đến đúng mục tiêu. Ở sân chơi thương mại quốc tế, các đối tác EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada hay Mexico được đánh giá là tuân thủ luật chơi “thị trường tự do” với Mỹ. Trong khi đó TQ mới đích thực là quốc gia mà Mỹ phải “xét lại”. Thế nhưng Washington đang làm tổn thương các đồng minh sòng phẳng của mình.
Các chuyên gia kinh tế dự báo ngay cả khi một cuộc chiến tranh thương mại xảy ra với Mỹ thì TQ sẽ không chịu quá nhiều thiệt thòi khi doanh nghiệp nội địa được nhà nước nâng đỡ, trong khi TQ có thể tấn công vào những mũi nhọn, ví dụ nông nghiệp, của nền kinh tế Mỹ và làm dậy sóng Quốc hội nước này.
Khi nói đến giao dịch thép và nhôm không công bằng, Mexico, Canada và châu Âu không phải vấn đề mà là Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Kevin Brady |
Ác mộng về cuộc đại suy thoái
Các nước sòng phẳng không để yên cho ông Trump. EU và các nước chuẩn bị chịu thuế xuất khẩu sang Mỹ đã chuẩn bị từ đầu năm một danh sách hàng chục trang về các mặt hàng của Mỹ sẽ bị trả đũa. So về kim ngạch, xem ra “kẻ tám lạng, người nửa cân”, tức bên nào cũng bị trọng thương.
Đó là chưa kể nếu đánh vào EU và đồng minh kinh tế, lại bỏ qua cho TQ - vốn không nhắm vào kim ngạch mà nhắm vào ngành nông nghiệp nhạy cảm của chính trị Mỹ thì ông Trump sẽ càng lún sâu vào rắc rối chính trị, điều mà ông chủ Nhà Trắng không hề mong muốn trước bầu cử giữa kỳ diễn ra vào tháng 11 sắp tới.
Như vậy hoặc là phải đánh cả EU lẫn TQ, hoặc là phải chấp nhận thất hứa với cử tri, những người quá tin vào lời hứa chính sách đậm đặc bản chất dân túy của ông Trump hồi bầu cử 2016. Kịch bản này khả dĩ nếu phe ôn hòa trong nội các của ông Trump thắng thế. Phản ứng của nhiều lãnh đạo kinh tế, thương mại trụ cột của ông Trump cho thấy họ muốn hòa hoãn hơn là tạo ra một cuộc chiến mà chính họ cũng chưa thể nghĩ ra giải pháp để cứu vãn.
Vậy nhưng phe “diều hâu” của Nhà Trắng sẽ không ngồi yên. Nhiều khả năng việc tuyên bố “đánh thuế EU và khối NAFTA trong vài ngày tới” chỉ là đòn gió khi vòng đàm phán thứ ba giữa Mỹ và TQ sẽ diễn ra từ hôm nay (2-6) tại Bắc Kinh. Hai vòng trước phe ôn hòa do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu đã thất thế trước Bắc Kinh và ông Trump bị giới “diều hâu” chỉ trích là yếu đuối. Lần này Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross sẽ đến TQ để “gỡ hòa” và Washington dọn đường bằng tuyên bố đánh thuế các đồng minh, kích hoạt lại khả năng chiến tranh thương mại với TQ và áp đặt thêm các yêu cầu về mở cửa thị trường.
Không nhiều triển vọng cho Mỹ ở vòng ba này trước một TQ có nhiều ưu thế. Trong khi đó, EU và các nước Bắc Mỹ đang triển khai các biện pháp trả đũa và tất cả gì họ cộng lại chắc chắn sẽ làm Mỹ thiệt hại, có thể phải suy nghĩ về việc tái thiết lập các vòng đàm phán hòa giải. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ben Sasse, bang Nebraska thốt lên “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại không có nghĩa là làm cho nước Mỹ trở về năm 1929 một lần nữa”.
Hoặc ngắn hạn hoặc dài hạn nền kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Không cần quá bi quan người ta cũng liên tưởng đến cuộc đại khủng hoảng vào năm 1929, kéo dài suốt cả thập niên. Ác mộng 1929 chấm dứt sớm hay muộn còn phải xem ông Trump có kịp thời thay đổi hay không.