Các đại sứ Mỹ và Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 28-5 cãi nhau dữ dội quanh chuyện bản quyền công nghệ và về phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Trung Quốc ăn cắp ý tưởng công nghệ của Mỹ.
Đại sứ Mỹ Dennis Shea chỉ trích chuyện Trung Quốc có luật bất thành văn rằng các công ty Mỹ muốn vào làm ăn ở thị trường Trung Quốc phải chia sẻ công nghệ cho nước này.
“Đây không phải là luật. Sự thực đây là luật chính Trung Quốc tạo ra để cưỡng ép” – ông Shea nói với cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO.
Theo ông Shea, đây là điểm bất lợi với các nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ Mỹ. Tất cả các nước đều cảm thấy bị giảm sức cạnh tranh nếu các chính sách của Trung Quốc không được kiểm soát.
Tổng thống Mỹ Donald Trump giới thiệu biên bản nội bộ về tăng thuế nhập khẩu lên hàng công nghệ cao Trung Quốc, tại Nhà Trắng ngày 22-3-2018. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, Trung Quốc cực lực bác bỏ chỉ trích trên. “Không có chuyện cưỡng ép chuyển giao công nghệ ở Trung Quốc. Không có điểm nào trong các nguyên tắc này yêu cầu các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ”- đại sứ Trung Quốc tại WTO Zhang Xiangchen khẳng định. Ông này cho rằng các cáo buộc của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ chỉ là đồn đoán, không có chứng cứ.
Theo ông Zhang, thành tựu của Trung Quốc có được là nhờ sự siêng năng của người dân Trung Quốc, nhờ sự đầu tư của chính phủ Trung Quốc vào giáo dục và nghiên cứu, và nhờ vào nỗ lực bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Hơn nữa chuyển giao công nghệ là một hoạt động thương mại bình thường và cũng có lợi cho Mỹ.
Tranh chấp quanh chuyện bản quyền công nghệ hai bên căng thẳng từ cả năm qua và chính sách thương mại Mỹ-Trung trở thành vấn đề thường xuyên được bàn đến trong các cuộc gặp song phương cấp cao.
Mỹ là bên đứng đơn kiện, đệ đơn lên WTO ngày 23-3. Theo các chuyên gia luật pháp, Mỹ cần WTO ủng hộ quan điểm của mình trong chuyện này để áp thuế nhập khẩu lên hàng công nghệ Trung Quốc. Về phía mình, Trung Quốc phản đối kế hoạch tăng thuế nhập khẩu của Mỹ với hàng công nghệ của mình và nhờ đến WTO để ngăn chặn.
Theo quy tắc của WTO, nếu bất đồng không được hai bên dàn xếp sau 60 ngày, bên nguyên đơn thưa kiện có thể yêu cầu một ban chuyên gia phân xử. Khi đó vụ tranh chấp leo thang hơn, có thể trở thành một vụ việc pháp lý sẽ phải mất hàng năm trời để giải quyết.