Ngày 26-5, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ tiếp đón các nhà lãnh đạo các nước G7 tham dự hội nghị thượng đỉnh tại tỉnh Mie trên đảo Kashiko cách thủ đô Tokyo 300 km.
Nhật mong muốn mời các nhà lãnh đạo các nước không thuộc G7 tham dự hội nghị, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Lào, Bangladesh, Sri Lanka.
Theo tài liệu Bộ Ngoại giao Nhật công bố cho báo chí trước hội nghị thượng đỉnh G7, chương trình nghị sự sẽ bàn đến tình hình châu Á-Thái Bình Dương và kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại.
Hãng tin Bloomberg ghi nhận hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại, các nước G7 cần siết chặt chi tiêu để kích thích kinh tế và Tòa trọng tài thường trực chuẩn bị công bố phán quyết về vụ Philippines kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc.
Trước đây, Trung Quốc đã phản đối tuyên bố của hội nghị các bộ trưởng Ngoại giao G7 hồi tháng 4 phản đối mọi hành vi dọa nạt, đe dọa hay khiêu khích ở biển Hoa Đông và biển Đông. Nay hãng tin Kyodo đưa tin hội nghị thượng đỉnh G7 lần này cũng sẽ đưa ra tuyên bố với nội dung tương tự.
Chuyên gia Robert Dujarric, Giám đốc Viện nghiên cứu châu Á hiện đại (thuộc Đại học Đền thờ ở Nhật), nhận xét: “Về cơ bản Nhật và Mỹ tìm cách để châu Âu bày tỏ thái độ quan tâm với hành động của Trung Quốc... Một tuyên bố kín kẽ cũng là thắng lợi của Tokyo và Washington”.
Cảnh sát Nhật tuần tra bảo vệ hội nghị G7 tại tỉnh Mie. Ảnh: KYODO
Tân Hoa xã của Trung Quốc ngày 25-5 đã đăng bài chỉ trích Nhật lèo lái hội nghị thượng đỉnh G7 theo ý đồ của nước chủ nhà và Mỹ chứ không đại diện cho lợi ích của G7.
Báo chỉ trích Nhật đưa vấn đề tranh chấp ở biển Đông vào chương trình nghị sự vì dụng ý riêng. Báo tố khổ Nhật can thiệp vào biển Đông trong khuôn khổ ủng hộ chiến lược xoay trục của Mỹ nhằm gia tăng sự hiện diện của Mỹ ở Thái Bình Dương để cản trở Trung Quốc.
Trong khi đó, báo South China Morning Post ngày 25-5 nhận định Trung Quốc tiếp tục gia tăng căng thẳng ở biển Đông.
Báo đưa tin Mỹ và Nhật đã điều hai tàu khu trục (mỗi nước một tàu) và hai trực thăng chống ngầm giám sát cuộc tập trận của hạm đội Nam Hải ở khoảng cách gần.
Hạm đội Nam Hải (Trung Quốc) tập trận suốt 48 giờ không nghỉ trong hai ngày 22 và 23-5. Trong đó có các tàu khu trục Lan Châu và Hợp Phì, tàu hộ vệ Tam Á cùng một số máy bay ném bom tập tấn công tàu khu trục Quảng Châu và tàu hộ vệ Ngọc Lâm. Một tàu ngầm giữ vai trò đe dọa cả hai bên.
Các tàu tiếp liệu và máy bay cảnh báo sớm cũng tham gia tập trận. Vị trí tập trận gần đá Su Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Chuyên gia Trung Quốc Nghê Lạc Hùng nhận xét hình thức tập trận cho thấy hải quân Trung Quốc chuẩn bị đối phó tình hình tệ nhất, đồng thời phô trương sức mạnh hải quân với các nước khác.
• Ngày 25-5, phát biểu tại Tokyo, Thủ tướng Anh David Cameron đã kêu gọi Bắc Kinh và các nước tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực về vụ kiện của Philippines. Ông đánh giá điều này có lợi cho Anh, có lợi cho tất cả để thiết lập một thế giới dựa trên luật pháp quốc tế. Ông nhấn mạnh: “Tốt cho chúng tôi và tốt cho thế giới nếu Trung Quốc tham gia vào một thế giới dựa trên luật pháp”. • Nhật và Canada cùng chia sẻ mối quan tâm về hành động đơn phương bồi đắp xây đảo nhân tạo và quân sự hóa ở biển Đông. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu như trên hôm 24-5 tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Canada Justin Trudeau ở Tokyo. Hai bên cam kết hợp tác bảo đảm an ninh hàng hải phù hợp luật pháp quốc tế. _______________________________ 100.000 cảnh sát được điều động bảo vệ hội nghị thượng đỉnh G7 tại Ise-Shima (tỉnh Mie). 23.000 cảnh sát bảo vệ địa điểm hội nghị và sân bay. 70.000 cảnh sát bảo vệ 3.500 nhà ga, khu thương mại và nhiều địa điểm nhạy cảm. 4.500 cảnh sát được điều động trong chuyến thăm Hiroshima của Tổng thống Obama. |