G7 phản đối quân sự hóa biển Đông

Chiều 11-4, hội nghị bộ trưởng Ngoại giao các nước G7 (Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada, Mỹ, Nhật) tại Hiroshima (Nhật) đã bế mạc sau hai ngày làm việc. Báo Japan Times đưa tin hội nghị đã thông qua tuyên bố chung và các tuyên bố riêng rẽ.

Tuyên bố chung nêu lên nhiều vấn đề về an ninh thế giới, trong đó lên án các vụ tấn công cực đoan mới đây ở Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ, Nigeria, Bờ biển Ngà, Pakistan; các vụ thử hạt nhân và bắn tên lửa của CHDCND Triều Tiên; vụ Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine.

Tuyên bố về an ninh hàng hải ghi nhận: “Chúng tôi quan tâm đến tình hình trên biển Đông, biển Hoa Đông và nhấn mạnh đến tầm quan trọng cơ bản trong quản lý và giải quyết tranh chấp theo cách hòa bình”.

Tuyên bố nhấn mạnh: “Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ dọa nạt, cưỡng bức hay các hành động đơn phương khiêu khích có thể làm thay đổi nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng, đồng thời khuyến khích các nước kiềm chế thực hiện các hành động như bồi đắp đất đai, bao gồm nạo vét quy mô lớn, xây dựng tiền đồn, sử dụng chúng vào mục đích quân sự và hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc về tự do đi tàu và bay qua”.

Các bộ trưởng Ngoại giao G7 và Cao ủy Đối ngoại EU Federica Mogherini tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima ngày 11-4. Ảnh: NIKKEI ASIAN REVIEW

Tuyên bố kêu gọi các nước tôn trọng luật pháp quốc tế về hàng hải và thi hành các phán quyết của các tòa án.

Hãng tin Bloomberg đưa tin tuyên bố chung không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng rõ ràng đã phát đi thông điệp lên án tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông.

Tuyên bố Hiroshima về không phổ biến vũ khí hạt nhân tiếp tục khẳng định cam kết xây dựng một thế giới an toàn hơn và tạo điều kiện cho một thế giới không vũ khí hạt nhân.

Tuyên bố về chủ nghĩa khủng bố đã kêu gọi tăng cường chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và đối phó với đe dọa khủng bố toàn cầu. Hội nghị nhất trí hoàn chỉnh chương trình hành động chống khủng bố của G7 để trình hội nghị thượng đỉnh G7 vào cuối tháng 5 tới.

Trước đó, sáng 11-4, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry đã cùng những người đồng cấp G7 đến Công viên Tưởng niệm Hòa bình và Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima đặt tràng hoa tưởng nhớ các nạn nhân trong sự kiện máy bay Mỹ ném bom nguyên tử.

Theo báo Japan Today, ông John Kerry đã trở thành quan chức ngoại giao Mỹ đầu tiên đến viếng nơi đây và đây cũng là lần đầu tiên các bộ trưởng Ngoại giao của các cường quốc hạt nhân (Mỹ, Anh, Pháp) đến viếng.

Tại Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình, ông viết vào sổ vàng: “Đây là lời nhắc nhở mạnh mẽ và gay gắt thôi thúc không chỉ trách nhiệm của chúng ta phải chấm dứt mối đe dọa vũ khí hạt nhân mà còn phải cống hiến nỗ lực thêm nữa cho tránh chiến tranh xảy ra”.

Báo Washington Post đưa tin Tổng thống Obama dự kiến sẽ đến thăm Hiroshima vào tháng 5. Báo Yomiuri Shimbun nêu vào cuối tháng này Nhà Trắng sẽ cử một đoàn an ninh đến Hiroshima để chuẩn bị.

Theo báo Japan Times, chính quyền Nhật còn phát biểu dè dặt vì lo ngại chuyến công du của Tổng thống Obama sẽ gặp nguy hiểm.

Nhà phân tích Malcolm Davis ở Viện Chính sách chiến lược Úc nhận định các nước G7 muốn phát tín hiệu để Trung Quốc hiểu nếu dấn tới sẽ phải trả giá. Ông ghi nhận tuyên bố G7 lần này sẽ tạo cho Mỹ cơ sở hợp tác mạnh mẽ hơn với các đồng minh chủ chốt. Ông nhận định: “Tuyên bố G7 chắc chắn là tuyên bố tốt nhất Mỹ có được cho đến giai đoạn này”.

_____________________________

Cộng đồng quốc tế cần chia sẻ các giá trị chung nhằm duy trì ổn định và thịnh vượng. Hiện nay thế giới đang đối phó với các thách thức nhằm đơn phương thay đổi các giá trị này và các nguyên tắc chung như chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật FUMIO KISHIDA

Đừng bỏ lỡ

Bản tin trưa 25-2: Nạn nhân vụ 'tu thành tiên' bán công ty và 3 căn nhà để mua đồ lừa đảo; Khởi tố bảo mẫu ở Long An

Bản tin trưa 25-2: Nạn nhân vụ 'tu thành tiên' bán công ty và 3 căn nhà để mua đồ lừa đảo; Khởi tố bảo mẫu ở Long An

(PLO)- Vụ án đại gia Lê Thanh Thản lừa dối khách hàng: Cư dân không đồng tình với kết quả định giá; Lập trình viên bị bắt giữ, bị nhổ 14 chiếc răng và ép viết phần mềm đánh bạc; Nạn nhân vụ 'tu thành tiên': Bán công ty và 3 căn nhà để mua tượng, la bàn; Khởi tố bảo mẫu giữ trẻ tự phát ở Long An về tội hành hạ người khác; Truy tìm nam thanh niên cướp 10 kg thịt bò ở Long An.

Đọc thêm

Vai trò của Nga trong thoả thuận khoáng sản Mỹ-Ukraine

Vai trò của Nga trong thoả thuận khoáng sản Mỹ-Ukraine

(PLO)- Cả Mỹ và Ukraine đều đang rất quan tâm thỏa thuận khoáng sản, song việc thực hiện sẽ khó khả thi nếu không tính đến vai trò của Nga khi gần 40% lượng khoáng sản nằm ở các vùng đất phía đông đã được Nga sáp nhập và kiểm soát, hoặc nằm gần khu vực đang có giao tranh.