Yêu cầu vô lý này được Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu đưa ra trong cuộc họp với Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Shinsuke Sugiyama ở Tokyo hồi cuối tháng 2 vừa rồi.
Nguồn tin cũng tiết lộ ông Khổng Huyễn Hựu tỏ thái độ bất mãn trước chỉ trích của Nhật liên quan đến các động thái hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông. Ông này còn mỉa mai Nhật không liên quan nhưng hành động như một bên có tranh chấp trên biển Đông, đồng thời tỏ ra hoài nghi liệu Nhật có thực sự muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc hay không. Thậm chí, ông cảnh báo cách mà Nhật tiếp cận vấn đề biển Đông tại hội nghị G7 sắp tới sẽ là phép thử cho quan hệ song phương và khẳng định Bắc Kinh sẽ theo sát chuyện này.
Phản ứng lại, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Shinsuke Sugiyama khẳng định Nhật sẽ không chấp nhận bất kỳ hành động nào làm thay đổi hiện trạng biển Đông. Ông nhấn mạnh cần thiết phải thiết lập các quy tắc trên biển vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Báo Japan Times đưa tin trước đó, hồi đầu tuần, vấn đề biển Đông cũng đã được nhắc đến trong cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.
Trong khi đó, báo Inquirer (Philippines) ngày 20-3 đưa tin hôm trước đó, các ngư dân tàu cá FB Bubhoy trở về nhà sau chuyến đi biển dài 16 ngày ở bãi cạn Scarborough thuật lại họ đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc xua đuổi và tấn công tại bãi cạn hồi đầu tháng 3.
Thuyền trưởng Junmar Pumicpic (25 tuổi) cho biết tàu của anh bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm hai lần vào ngày 5 và 6-3. 9 giờ sáng 5-3, các xuồng cao su của Trung Quốc xuất hiện. Một chiếc chở ba người mặc đồng phục đến gần nói bằng tiếng Anh: “Đây là hải cảnh Trung Quốc. Hãy trở về Subic đi!”. Sau đó xuồng quay về bãi cạn. Vài phút sau thì tàu hải cảnh xuất hiện húc vào tàu cá. Trên tàu cá có 11 người. Dù bị hư hỏng, may mà tàu cá Philippines vẫn trụ vững.
Một ngày sau, lúc trời còn tối, tàu Trung Quốc quay lại dùng thiết bị laser gây mù mắt và đèn công suất mạnh tấn công tàu cá. Các ngư dân đã trình báo sự việc với tuần duyên tại cảng Subic.